Ánh sáng xanh chủ yếu có trong ánh nắng mặt trời. Ngoài ánh nắng mặt trời thì nhiều thiết bị như đèn huỳnh quang, đèn LED, tivi, điện thoại,… cũng có thể tạo ra ánh sáng xanh.
Hầu hết các smartphone và máy tính hiện tại đều có màn hình phát ra ánh sáng xanh, giúp hình ảnh rõ và sáng hơn, đặc biệt là khi dùng ngoài trời nắng.
Nhưng vào ban đêm, bộ não của con người bị nhầm lẫn bởi ánh sáng xanh này, vì nó có các tính chất giống như ánh sáng mặt trời.
Theo các báo cáo khoa học gần đây, ánh sáng xanh khiến não ngừng sản xuất melatonin - một hormone giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ.
Trong ngày, ánh sáng xanh đánh thức và kích thích bộ não, nhưng về đêm, quá nhiều ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, máy tính có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ, khiến người dùng khó ngủ hơn, dần gây hại cho sức khoẻ.
Đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyên bạn nên cố gắng hạn chế thời gian sử dụng màn hình trong 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
Ánh sáng xanh có thể xuyên qua võng mạc (lớp lót bên trong phía sau mắt) do vậy tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh có thể làm hỏng các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc. Điều này có thể gây thoái hóa điểm vàng và khiến người bệnh mất thị lực vĩnh viễn.
Ngoài ra, khi bạn nhìn vào màn hình máy tính và các thiết bị kỹ thuật số khác phát ra ánh sáng xanh thì ánh sáng sẽ không tập trung, sự không tập trung này có thể làm giảm độ tương phản ánh sáng và có thể gây mỏi mắt kỹ thuật số.
Nếu bạn đang sử dụng điện thoại liên tục hoặc làm việc cả ngày với máy tính và các thiết bị điện tử thì hãy sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh để bảo vệ mắt. Các bộ lọc này giúp ngăn ngừa đáng kể lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử.
Đây là một lời khuyên khá tốt, nhưng không hẳn là chính xác tuyệt đối. Bởi vì một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ánh sáng nhìn thấy năng lượng cao làm tăng sự tỉnh táo, giúp tăng trí, chức năng nhận thức và nâng cao tâm trạng.
Trong thực tế, liệu pháp ánh sáng còn được sử dụng để điều trị rối loạn tình cảm theo mùa – một loại trầm cảm liên quan đến những thay đổi trong mùa.
Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về ánh sáng xanh, hiệu ứng của nó vẫn đang được nghiên cứu.
Minh Anh (Nguồn Allaboutvision)