Thế hệ chúng tôi đã được học câu chuyện “Cây tre trăm đốt”. Tôi chỉ còn nhớ hai ý ngày ấy thầy dạy là dù có mưu ma chước quỷ kiểu gì thì cuối cùng cái thiện sẽ thắng. Và chân lý đời sống cực đơn giản nhưng không phải ai cũng có năng lực hiểu.
Lịch sử nước ta đã trải qua mấy lần nhập các địa phương với nhau rồi lại tách ra. Khi cần nhập, họ viện đủ lý lẽ. Và khi tách họ cũng vin vào lắm lý do.
Không chỉ hai tỉnh mà có khi 3 tỉnh nhập lại làm một như Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Bình Trị Thiên… Còn 2 tỉnh thì nhiều lắm: Hải Hưng, Hà Bắc, Phú Khánh, Bình Thuận, Sông Bé, Gia Lai-Kontum… Bây giờ chỉ còn lại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Hồi ấy các nhà ” tư tưởng” dựa vào đó nêu ra nhiều lý thuyết về phát triển, con người, tư tưởng làm chủ tập thể… làm khổ nhiều người. Không ai trách những ngộ nhận, lầm lỡ trong học thuật vì dù sao đó cũng là ý kiến của cá nhân, phạm vi tác hại không quá lớn nhưng các nhà quản trị thì không nên sai lầm. Bởi một quyết định nếu sai lầm của họ để lại đi hại, thậm chí kéo lùi sự phát triển của một lĩnh vực, một thời đại, một quốc gia.
Mấy hôm nay rộ lên chuyện Hoàn Kiếm có thể sẽ phải sáp nhập với một quận khác vì theo “tiêu chí mới” thì quận nổi tiếng nhất của Hà thành không đủ “tiêu chí” về diện tích.
Là một dân “ngụ cư” nhưng tôi cảm thấy bị tổn thương và là một công dân, tôi không thể nào tưởng tượng được đến một ngày nào đó cái tên Hoàn Kiếm không còn tồn tại. Nó hoàn toàn không chỉ là một cái tên thông thường, muốn đặt thế nào cũng được mà nó là lịch sử, là văn hoá, là hồn cốt của mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Tôi không biết có bao nhiêu tiêu chí nhưng nếu chỉ căn cứ vào dân số và diện tích mà làm căn cứ quy hoạch cho vùng kinh tế, cho việc nhập địa phương này với địa phương kia là một sai lầm nghiêm trọng, dưới cả mức sơ đẳng về tri thức.
Nhớ ngày còn đi làm, khi có đề xuất phải đổi tên phố và phường Lê Đại Hành vì tên ấy xúc phạm đến vị vua nổi tiếng, chúng tôi phải đi khảo sát để báo cáo cơ quan chức năng.
Vị đại diện phường cho biết: Chỉ riêng việc đổi toàn bộ hồ sơ liên quan đến cư dân ở phường theo tên mới (lúc đó chưa biết sẽ là gì) thì đã tốn nhiều tỷ đồng. Nghe vậy, vị đại diện bên Tài chính kêu “không có tiền đâu”. Và việc ấy biết là cần làm, nên làm nhưng vẫn phải dừng vì còn nhiều việc khác cần hơn. Vậy bây giờ nếu sáp nhập trong phạm vi lớn như dự kiến (tỉnh, huyện, quận, phường, xã, việc thay tên đổi cấp chủ quản) sẽ phải làm trong bao nhiêu lâu, sẽ tiêu hết bao nhiêu tiền?
Ở quê tôi việc nhập mấy xã lại với nhau đã gây ra nhiều hệ lụy, đơn cử một lĩnh vực giáo dục. Mỗi xã có 1 trường Tiểu học, 1 Trung học cơ sở. Giờ nhập lại nếu vẫn để nguyên như cũ không được mà nhập vào một nơi thì phải tốn diện tích mới, kinh phí xây mới, các cháu phải đi học xa hơn, người lớn phải thu xếp đưa các cháu nhỏ đến trường, các cháu lớn hơn phải học xa nhà hơn rất nhiêu khê. Cơ sở cũ rất khang trang lại bỏ đi. Như xã tôi lại xây trường mới, hai ngôi trường cũ bỏ hoang. Hỏi thì bảo “ để làm việc khác” nhưng mấy năm nay chưa biết làm gì.
Đó là chưa kể nguồn cán bộ quản lý dôi dư, gây bao hệ lụy. Xã tôi xưa có 3 làng, 10 xóm. Làng nào cũng có tên gọi từ nhiều trăm năm trước. Thế mà chả hiểu “tư duy mới” kiểu gì, người ta xoá tên làng, đổ là đội thứ mấy, thứ mấy. Làng tôi mất tên, mang tên mới là Đội 6. Chả có ý nghĩa gì. Lịch sử, truyền thống bị xoá gần hết. Bây giờ nói đến làng, đám trẻ cười vì chả biết làng, xóm nào cả, chỉ biết mỗi tên Đội. Đau lắm. Nhưng nghe nói nhiều nơi như thế. Chính chúng ta đã vô tình xoá ký ức và truyền thống của chính mình.
Các cụ dạy “một người lo bằng một kho người làm”. Đấy là nói người khôn. Còn người dại nếu được giao việc bàn kế hoạch, cắt đặt việc cho người khác, các cụ bảo “nghe nó thì đổ thóc giống ra mà ăn”.
Nhìn vào gia đình đã thế. Nhìn ra xã hội vừa giống thế vừa khác hơn. Vì ở nhà, người kém là do kém chứ ít khi nghĩ chuyện “lợi mình, hại người”. Trong hàng ngũ tham mưu hiện nay đâu đó cũng có cài cắm lợi ích nhóm. Không ít chính sách chủ trương hỏng là do đội ngũ mưu tham bày đặt ra đấy chứ. Chả nhìn đâu xa, cứ xem mấy vụ BOT giao thông, mở mới trường đại học, đặc khu, lập các Tổng công ty, chuyến bay giải cứu…thì rõ.
Ta đã có Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua năm 2015, vậy thì đây là lúc nên xin ý kiến nhân dân theo Luật, không nên hỏi ý kiến nhân dân qua các đại diện như trước đây vẫn làm. Đó là ta đang thực hiện đúng phương châm “Sống và làm việc theo pháp luật”. Làm như trước đây gần như bao giờ cũng lấy được điều cần nhận nhưng không đúng thực chất và sau đó lại phải sửa các quyết định cũ, tổn hại nhiều bề. Có mấy ý nghĩ lộn xộn thế, ai có cao kiến thì nên góp ý cho các cấp.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.