Mới đây, thông tin từ ông Bùi Gia Dinh, Phó Bí thư Huyện ủy Krông Ana (Đắk Lắk) cho biết ban Thường vụ Huyện ủy đã họp xem xét giải trình của ông Thuân (Bí thư huyện) liên quan đến thông tin vào nhà nghỉ “thăm” bà M., nữ trưởng ban bị đau bụng trước đó.
Theo giải trình, khi lên TP.Buôn Ma Thuột chơi, ông Thuân được bà M. cùng một người bạn rủ ra sân bay. Tuy nhiên, trong lúc 3 người đang uống cà phê ở một quán gần sân bay thì bà M. bị trúng gió, đau bụng nên đã thuê một phòng tại nhà nghỉ để nằm.
Do bận công việc nên ông Thuân vào phòng hỏi bà M. khỏe chưa để đi về. Đúng lúc này nhiều người ập đến gõ cửa, ông Thuân mở cửa thấy nhóm này nói ông vào nhà nghỉ với bà M. nên đề nghị gọi công an đến giải quyết.
Thành thực mà nói, mới đầu tôi cũng chẳng để tâm tới chuyện này. Nhưng lạ một điều là đã bao ngày trôi qua, sự việc trên vẫn không hề “giảm nhiệt”, ngay cả khi nữ cán bộ có mặt tại nhà nghỉ ngày hôm đó lên tiếng giãi bày về lý do leo trèo, chui qua cửa thông gió; rằng vì có nhiều người nói ồn ào, kêu la ngoài cửa nên bà đã “lên cửa sổ nhìn, thì không may rơi điện thoại, nên đã ra ngoài lan can nhặt lại”.
Hóa ra, lâu nay người ta vẫn chỉ tin vào những điều người ta muốn tin, rằng đã vào nhà nghỉ thì không có chuyện “nghỉ mệt”, “nghỉ trúng gió” hay những mục đích trong sáng tương tự.
Bởi vậy, người ta mặc nhiên mỉa mai “mẹo chữa trúng gió đã thất truyền” mà không thử đặt giả thuyết về trường hợp họ rơi vào cảnh tình ngay lý gian, thậm chí “bị theo dõi, quay clip để vu khống” như những gì ông Thuân nghi vấn. Theo dõi phản ứng của cộng đồng mạng mới thấy dù chưa bắt được cảnh giai trên gái dưới, nhiều người đã vội gán cho họ tội lỗi tày đình.
Sau tất cả, miệng đời dù đúng dù sai, người tổn thương nhất vẫn là người phụ nữ. Thấu cảm với tâm trạng của vị Bí thư huyện, nhưng hoàn cảnh của nữ cán bộ khiến tôi xót xa hơn cả.
Báo chí đưa tin, chồng của chị và vợ con ông Thuân cũng có mặt vào thời điểm đó. Chỉ vì một cơn gió dữ, chỉ vì không muốn bỏ lại chiếc điện thoại ngoài lan can mà chị phải hứng chịu bao nhiêu điều tiếng gièm pha.
Có quy định nào ngăn cản chuyện gặp gỡ ở quán cà phê, có luật lệ nào cấm bạn bè lên phòng hỏi thăm nhau khi đau yếu?
Trong câu chuyện này, cá nhân tôi cũng cảm phục tâm lý vững như bàn thạch của ông Thuân khi đương đầu với sóng gió. “Cây ngay không sợ chết đứng”, nên ông đã bình tĩnh liên hệ với cơ quan chức năng rồi về huyện dự hội nghị.
Nhưng có lẽ sau sự cố nhớ đời, từ nay về sau, không riêng vị cán bộ huyện mà toàn thể cánh mày râu chắc chắn sẽ cảnh giác hơn khi đi riêng, hoặc chứng kiến đồng nghiệp bị trúng gió!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả