Rủi ro công chứng... "ảo"?
Chuyện về những rủi ro trong khi thực hiện các giao dịch dân sự, nhất là việc mua bán đất đai tại các văn phòng công chứng tư không còn là hiếm. Tuy nhiên, câu chuyện vừa xảy ra với vợ chồng anh Nguyễn Văn Đồng và chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (trú tại 586, Ngô Gia Tự, TP.Bắc Ninh) cho thấy còn rất nhiều điều uẩn khúc. Được biết vụ việc này đang được cơ quan công an điều tra, xác minh làm rõ những điểm bất thường trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (có cùng địa chỉ trên) do văn phòng công chứng Công Thành (Từ Sơn, Bắc Ninh) thực hiện với lời chứng của công chứng viên Ngô Thị Thu Hương.
Đang sinh sống ổn định, bất ngờ vợ chồng anh Đồng, chị Nguyệt bị hai người phụ nữ lạ tìm đến đòi… nhà. Chứng cứ mà hai người phụ nữ nọ đưa ra là một văn bản phôtô với nội dung căn nhà đã được vợ chồng anh chuyển nhượng cho ông Lê Thanh Vịnh và vợ là Nguyễn Thị Phương Mai. Văn bản được lập ngày 31/5/2011 bởi Văn phòng Công chứng Công Thành.
Lục tìm lại trí nhớ, anh Đồng chị Nguyệt khẳng định ngày 31/5/2011, cả hai vợ chồng không đi đâu xa, lại càng không có chuyện họ làm thủ tục bán một căn nhà có giá trị 5 tỷ đồng với giá 300 triệu đồng. Đến tận thời điểm này, anh Đồng, chị Nguyệt đều khẳng định họ chưa từng đến Văn phòng Công chứng Công Thành và cũng không quen biết ai tên là Vịnh, Mai. Điều kỳ lạ hơn nữa là số chứng minh thư của anh Đồng chị Nguyệt ghi trong hợp đồng đã hết thời hạn và được đổi cấp mới từ năm 2009.
"Tá hỏa tam tinh", vợ chồng anh Đồng đi tìm hiểu thì được biết, sau khi có bản hợp đồng này, một ngày sau (ngày 1/6/2011), bằng thủ tục "thần tốc", UBND TP.Bắc Ninh đã thay thế cuốn sổ đỏ cũ (mang tên vợ chồng anh Đồng - PV) bằng một cuốn sổ đỏ mới mang tên ông Vịnh bà Mai. Đáng lưu ý, cuốn sổ đỏ có địa chỉ trên được cấp khi vụ án tranh chấp ranh giới liên quan đến thửa đất này đang được TAND TP.Bắc Ninh thụ lý giải quyết.
Để một bản công chứng trung thực rất cần đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên
Được biết, đầu năm 2010, vợ chồng anh Đồng có cho chị gái là Nguyễn Thị Minh Tâm mượn sổ đỏ. Và tháng 6/2010, Tâm đã thế chấp căn nhà trên để vay 2 tỷ đồng của công chứng viên Ngô Thị Thu Hương. Hiện Tâm đang bị tạm giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Mượn tay" công chứng để lừa đảo
Câu chuyện trên khiến cánh phóng viên nhớ lại một đại gia chuyên lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản rúng động mới đây ở Bình Dương. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương năm 1994, Nguyễn Thanh Bình (SN 1974, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trở về quê làm giáo viên trường tiểu học xã Vĩnh Tân suốt hơn 12 năm. Thấy không thể làm giàu được từ nghề giáo, năm 2007, Bình bỏ dạy chuyển sang làm lái xe du lịch, kinh doanh bất động sản, cho vay nặng lãi...
Ăn mặc chải chuốt, lại lái xe hơi, nói năng lưu loát, hoạt bát, Bình tự đánh bóng thành "doanh nhân bất động sản" đang nổi ở Bình Dương. Để chứng tỏ là người rủng rỉnh, Bình cho nhiều người vay tiền bằng hình thức thế chấp, cầm cố sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thời điểm Bình "nhảy" sang nghề mới thì bất động sản đang dần tuột dốc rồi đóng băng dẫn đến việc kinh doanh ế ẩm. Dù thua lỗ nhưng Bình vẫn luôn nuôi mộng làm đại gia, muốn phất lên nhanh, bất chấp thủ đoạn. Từ ý nghĩ đó, Bình đã tập hợp một số chiến hữu lập đường dây "ăn sổ đỏ, bán đất ảo" hốt tiền.
Để đưa nạn nhân vào bẫy, Bình vạch ra kế hoạch với nhiều công đoạn được chuẩn bị rất kỹ. Đầu tiên, Bình ra điều kiện cho vay phải thế chấp sổ đỏ (bản chính) kèm theo giấy chứng minh nhân dân (CMND) và sổ hộ khẩu gia đình của người đứng tên trong sổ đỏ. Ngay sau đó Bình và đồng bọn đã làm giả các loại giấy tờ như hợp đồng ủy quyền (từ vợ sang chồng và ngược lại) hoặc đơn xác nhận tình trạng độc thân, đơn xác nhận tình trạng bất động sản. Tiếp đến, bọn chúng còn làm giả CMND của người đứng tên sổ đỏ, làm giả con dấu của chính quyền địa phương (UBND) và giả chữ ký của cán bộ phụ trách.
Sau khi hoàn tất những giấy tờ giả, Bình cắt cử đàn em đóng giả người đứng tên sổ đỏ đến các phòng công chứng (cả văn phòng công chứng Nhà nước lẫn văn phòng công chứng tư nhân) trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ký tên vào giấy ủy quyền hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để bán cho người khác lấy tiền. Bằng thủ đoạn trên, chỉ trong một thời gian ngắn, Bình đã ẵm gọn hàng chục tỷ đồng của nhiều người ở Bình Dương, TP.HCM. Danh sách nạn nhân của Bình lên tới 27 người!
Làm sao để "chứng" luôn... "thực"?
Quay trở lại với vụ việc của anh Đồng chị Nguyệt, sau khi phát hiện bất thường từ bản hợp đồng công chứng này, vợ chồng anh đã có đơn tố cáo gửi sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, kết quả chỉ dừng lại ở những kiến nghị do sở Tư pháp Bắc Ninh đưa ra: "Yêu cầu công chứng viên Văn phòng Công chứng Công Thành phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật về công chứng... Yêu cầu công chứng viên Văn phòng Công chứng Công Thành không môi giới giao dịch mua bán đối với tài sản do công chứng viên Văn phòng công chứng thực hiện nhằm đảm bảo tính khách quan…".
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Dương Mạnh Hùng, nguyên vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Công an) cho hay: Khoản 2 Điều 6 Luật Công chứng quy định: "Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh". Quy định này cho thấy tầm quan trọng và trách nhiệm của công chứng viên trong việc thực hiện ký chứng nhận một văn bản công chứng. Xong vì nhiều lý do khác nhau, không ít công chứng viên đã không làm đúng vai trò, bổn phận của mình do cố ý hoặc do thiếu trách nhiệm.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng: Theo quy định của luật Công chứng, công chứng viên là người làm chứng, là người thứ ba chứng nhận một sự việc có thật. Công chứng viên chính là người thẩm định lại giao dịch, đảm bảo phòng ngừa được tranh chấp xảy ra. Thực tế, điều rất quan trọng là khi có yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức tìm đến công chứng viên họ phải được biết về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, về trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch để tránh được các rủi ro trong giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều công chứng viên đã không giải thích cho khách hàng hiểu về những vấn đề này, dẫn đến xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc.
"Ngoài yếu tố về năng lực, kinh nghiệm thì hoạt động công chứng hiện nay vẫn còn thiếu những cơ chế hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho giao dịch. Ngay hệ thống thông tin liên thông với nhau cũng chưa được xây dựng. Nếu không tính đến những tổ chức hành nghề "sơ hở" đến mức công chứng nhiều giao dịch chồng chéo, trùng lắp trên một tài sản, thì hầu hết các tổ chức hành nghề nếu thận trọng thì cũng chỉ kiểm tra, đối chiếu được giao dịch trong phạm vi tổ chức của mình", luật sư Truyền khẳng định.
Cần tinh thần cảnh giác cao và ý thức đạo đức nghề nghiệp Theo TS. Dương Mạnh Hùng, nguyên vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Công an) bản thân người có tài sản phải có ý thức bảo vệ tài sản của mình. Trước khi ký hợp đồng ủy quyền, chủ tài sản phải đọc thật kỹ nội dung, có quyền thắc mắc, hỏi công chứng viên những điều chưa rõ, chưa hiểu. Nếu là người cao tuổi, cần có người thân, con cháu đi cùng để cùng đọc hợp đồng. Sự thông thoáng trong thực hiện thủ tục công chứng hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng điều này càng đòi hỏi tinh thần cảnh giác, trách nhiệm cao của công chứng viên trong đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ. |
Vương Trần