Tai biến mạch máu não nguy hiểm thế nào?
Tai biến mạch máu não dễ để lại di chứng cho người bệnh. Theo nghiên cứu y khoa, tai biến mạch máu não là một biến chứng nặng, dễ tử vong, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người bệnh.
Trên tờ Sức khỏe và Đời sống đưa ra thông tin, khi một trong số các mạch máu ở não bị vỡ hoặc bị tắc, người đó sẽ rơi vào tình trạng được gọi là tai biến mạch máu não. Dạng thức biểu hiện chính của tai biến mạch máu não là chảy máu não, chảy máu màng não, nhũn não, hoặc phối hợp các loại.
Còn theo định nghĩa từ tổ chức Y tế Thế giới “Tai biến mạch máu não là các thiếu sót thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan toả, các triệu chứng tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ (loại trừ các nguyên nhân chấn thương sọ não)”, thông tin này được tờ Tuổi trẻ dẫn lại.
Nguồn tin từ trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng nhận định về mức độ nguy hiểm của tai biến mạch máu não, đó là bệnh nhân hoặc tử vong hoặc sống sót với những di chứng nặng nề, lâu dài. Khả năng tái diễn cao, tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng và kinh tế quốc dân.
Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não
Chưa có khẳng định về phương pháp điều trị đặc hiệu tai biến mạch máu não, nhưng có thể phòng ngừa được nhờ hạn chế các yếu tố nguy cơ. Trong đó, đáng chú ý là mỗi người cần tránh xa thuốc lá, rượu, bia, hạn chế bị stress, cẩn trọng khi sức khỏe đang có vấn đề với đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
Về các yếu tố nguy cơ tai biến mạch máu não cao này, tờ Tuổi trẻ dẫn nguồn từ trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng cho hay, thuốc lá làm tăng nguy cơ cả nhồi máu não và xuất huyết não. Ở người hút 1 gói thuốc/ ngày thì nguy cơ này tăng gấp 2,5 lần so với người không hút thuốc lá. Tuổi càng trẻ thì nguy cơ này càng cao, nữ nguy cơ cao hơn nam. Vì vậy, nói không với thuốc lá là một trong những cách phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả.
Tương tự, việc tiêu thụ rượu tăng 10% góp phần làm tăng đột quỵ não mới lên 29% và tăng tì lệ tử vong lên 16%.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của tai biến mạch máu não. Khi huyết áp ở mức 160/95mmHg thì tì lệ đột quỵ tăng từ 2,9 lần (nữ) và 3,1 lần (nam) so với những người có huyết áp bình thường.
Có nghiên cứu cho rằng khi huyết áp ở mức ranh giới (tức huyết áp tối đa 140-159 mmHg, huyết áp tối thiểu 90-94 mmHg) thì nguy cơ mắc bệnh đã tăng lên 50%. Do đó, đối với người cao tuổi ngay cả khi huyết áp mới tăng nhẹ cũng cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không phải lúc nào huyết áp tăng cao cũng gây ra tai biến mạch máu não.
Còn trên tờ Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS. Đinh Huỳnh Linh hướng dẫn cách phòng ngừa tai biến mạch máu não như sau:
-Tăng cường tập thể dục, làm việc vừa sức, giảm cân, không ăn nhiều mỡ béo, nhiều chất bột, đường. Nên ăn nhiều rau, củ, trái cây.
-Bỏ thuốc lá, thuốc lào vì các hoạt chất trong thuốc lá có thể gây tổn thương thành mạch, dẫn đến xơ vữa và hẹp mạch máu.
-Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 120/80mmHg). Khi đã được phát hiện tăng huyết áp phải uống thuốc đều hàng ngày theo đơn thuốc của bác sĩ và đi khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Tránh chữa tăng huyết áp theo kiểu khi nào thấy mệt hoặc nhức đầu mới uống thuốc.
-Nếu bị đái tháo đường, phải ăn uống theo chế độ của người đái tháo đường, không ăn đường, giảm tinh bột, ăn nhiều rau, đủ đạm, ít béo, chia nhỏ bữa ăn, uống hoặc tiêm thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, tái khám và xét nghiệm máu định kỳ.
-Chữa tăng cholesterol máu, ngừng uống rượu, điều trị bệnh tim nếu có.
Chế độ ăn "nói không" với tai biến mạch máu não
Câu hỏi này được giải đáp bằng thông tin trên tờ Trí thức trẻ. Theo đó, để phòng ngừa nguy cơ tai biến, đột quỵ, cần lưu ý chế độ ăn không quá mặn, vì ăn nhiều muối dễ làm cho huyết áp tăng cao. Không ăn quá nhiều thịt, sữa cũng như các sản phẩm từ thịt và sữa vì các sản phẩm này thường có chất béo bão hòa nên không có lợi cho tim mạch, có thể làm tăng huyết áp. Sữa không đường có thể là lựa chọn tốt hơn, hoặc nếu muốn ăn thịt, không nên ăn quá 3 bữa/tuần.
Bên cạnh đó, hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol, giảm bia rượu và thuốc lá trong chế độ sinh hoạt hằng ngày…
P.Thu (tổng hợp)