Kinh tế khó khăn thì việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp là cần thiết. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế không muốn từ bỏ đặc quyền, đặc lợi, "bầu sữa" bao cấp nên vẫn thờ ơ. Việc tái cấu trúc với họ chỉ là hình thức thay đổi theo phong thuỷ, tài vận hay thiết thực hơn là chuyển nợ của doanh nghiệp, tích luỹ sau nhiều năm làm ăn thua lỗ thành... nợ của Nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần tìm ra giải pháp tái cấu trúc kinh tế chứ đừng làm hình thức.
Loay hoay chạy theo... phong thuỷ
Đến thời điểm này, câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế đã được cả DNNN và DN ngoài quốc doanh thấm nhuần. Nhiều tập đoàn, DNNN đã lập đề án tái cấu trúc kinh tế nhưng nhìn dưới góc độ niềm tin lại khá khôi hài. Ở đây, một số chuyên gia nói về niềm tin chỉ số kinh tế vĩ mô, nhưng trong nội tại nhiều "ông lớn" giữ trọng trách đầu tàu kinh tế người đứng đầu lại có niềm tin vào phong thuỷ, tâm linh.
Một tập đoàn lớn về bất động sản, người đứng đầu lại là người cuồng tín. Lái xe của ông chủ tịch tập đoàn này, trong cơn bĩ cực của vòng xoáy bất động sản đã nghỉ việc thành lái xe taxi kể: "Ông chủ tịch nghe thầy Tầu phán số giàu nhanh, quyền lực nhiều nhưng cũng không qua tuổi hạn 49-53. Quả thực, có thời những dự án của ông chạy ầm ầm, tiền đổ về tự nhiên. Nhưng khi thời khó khăn đến, mọi thứ cứ "đội nón ra đi".
Tập đoàn bị thanh tra, nhà cửa không bán được cho dù mỗi khi khởi công dự án ông mang cả container vàng mã, chất như núi cúng tế cẩn thận".
Càng khó khăn, sự vận động muốn thay đổi của con người càng lớn. Việc tái cấu trúc vấn đề nhân sự cũng được quan tâm. Nhưng nỗ lực vươn lên bằng việc chứng minh năng lực bản thân để được công nhận thì một số người không làm vậy.
Ở tập đoàn công nghệ nổi tiếng, vì muốn thăng quan tiến chức loại bỏ cấp trưởng, cấp phó đã thuê cô đồng dùng sim rác nhắn tin "khủng bố" cấp trên, tố cáo tội của cấp trưởng. Nào là chuyện xây dựng công ty sân sau để dồn lợi nhuận, chia chác trong những thương vụ làm ăn. Hối thúc cấp trên bằng những tin nhắn đe dọa, nếu không xử lý sẽ suy thoái tập đoàn, tất cả sẽ mất chức. Cuối cùng, cô đồng này cũng bị lực lượng chức năng triệu tập và làm rõ những sai phạm của cấp phó. Hoá ra, trong lần cô đồng giúp vài chuyện gia đình thuận lợi, nên ông này đã tin và muốn mượn tay "người nhà thánh" tố cáo cấp trên, tạo đà cho mình thăng tiến.
"Loay hoay trước khó khăn nên cá nhân người đứng đầu tập đoàn, công ty lớn tin theo phong thuỷ là có thật. Họ đang tạo cho mình một bệ phóng có sự yểm trợ của các thầy phong thuỷ. Nhưng thực tế, thầy phong thuỷ cũng giống nhà ngoại cảm, có người thật, người giả", thiếu tướng, TS. Nguyễn Chu Phác nhận định.
Một nhà phong thuỷ kể câu chuyện: "Một chủ tịch HĐQT của tập đoàn được các thầy tư vấn, muốn thăng tiến hơn nữa thì phải xây sân thể thao đẳng cấp. Vị này mệnh mộc nên cần có những mảng màu xanh hoành tráng yểm trợ thì sự nghiệp chắc thăng tiến, tập đoàn do ông ta phụ trách cũng vững như bàn thạch".
Tâm linh để giữ niềm tin, nhưng không ít "ông lớn" lại bị "gậy ông đập lưng ông". Trong phòng làm việc để đá phong thuỷ, trong ô tô để tượng đức Phật nhưng nhiều người không hề hay biết những vật phẩm được tặng để trấn yểm ấy lại bị đối phương "yểm bùa" để hại chủ nhân. Nhiều người tin, để đá 12 mặt trong phòng làm việc thì trên bảo dưới nghe, uy quyền của người lãnh đạo được cấp dưới nghe răm rắp. Nhưng thực tế, chỉ khi lãnh đạo có năng lực thực sự, có uy tín thì cấp dưới mới tôn trọng, không nổi loạn.
Ông Chu Phác cũng cho biết: "Nhiều tập đoàn, công ty đang loay hoay thay đổi chính mình đó là nhiệm vụ mà các chuyên gia kinh tế nói là tái cấu trúc. "Họ tái cấu trúc" theo kiểu thay đổi hướng cửa chính của công ty mình, bỏ những cột đá trước đây đã trấn yểm trước cửa cơ quan vì cho rằng nó không phát huy tác dụng nên công ty, tập đoàn khó khăn nên phải thay đổi".
TS. Trịnh Hoà Bình (viện Xã hội học) bình luận: "Trong lúc kinh tế khó khăn nhiều người tìm đến yếu tố tâm linh để gửi niềm tin. Đó là điều thực tế, vì họ đang bị khủng hoảng niềm tin. Điều này cũng khẳng định xã hội đang có "bệnh".
Cái mỏ neo không làm nên... “tái cấu trúc”!
Một trong những chương trình tái cấu trúc được mong đợi đó là "cục nợ" mang tên Vinashin. Không ít chủ nợ của tập đoàn này hy vọng trong nội dung tái cơ cấu về khoản nợ 600 triệu đô la bằng trái phiếu, và Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh sẽ có phần của mình để giảm bớt khó khăn. Thẳng thắn đánh giá việc tái cơ cấu nợ, một chuyên gia khẳng định: "Tôi nghĩ với Vinashin dùng chữ "thoát" thì đúng hơn, chứ chưa hẳn là Vinashin đã thực sự cơ cấu lại nợ (và chủ sở hữu) theo đúng nghĩa. Vấn đề nữa là chiến lược và bộ máy quản trị để thực hiện chiến lược phát triển mới. Thị trường đã hiểu, thấy yên tâm với chiến lược và bộ máy lãnh đạo mới của Vinashin hay chưa"?
Không ít chuyên gia đã nhìn nhận việc tái cấu trúc của tập đoàn này chỉ là cái vỏ bên ngoài. Sản xuất vẫn đình trệ, nợ nần vẫn là bài toán khó của tập đoàn cho dù đã được cơ cấu lại nợ. "Bên trong trụ sở của Vinashin vẫn là những con người mà đối tác của họ vẫn chưa thực sự yên tâm. Có chăng, sự thay đổi của Vinashin là cái mỏ neo trước kia là biểu tượng của tập đoàn dựng ngay trước mặt tiền nay đã được di dời đi chỗ khác. Với họ, có lẽ chiếc mỏ neo là sự neo giữ những trì trệ chậm phát triển, tụt hậu. Và bỏ đi như thế cũng là... bước đi đầu tiên cho tái cấu trúc tập đoàn cũng nên", vị chuyên gia nói tiếp.
Bên cạnh đó, không ít cử tri bức xúc vì chuyện "hoá giải" những "cục nợ khổng lồ" cho các "ông lớn" con cưng của nền kinh tế quốc doanh. Trung bình mỗi người dân trong tổng số 90 triệu dân đang phải gánh 826 USD. Đó là món nợ khổng lồ phải trả bằng tiền thuế của dân khiến không ít người thấy xót xa.
Một chuyên gia nhận định: Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương tại hội nghị cho thấy mức lỗ phát sinh của tất cả các tập đoàn, tổng công ty năm 2012 là 2.253 tỷ đồng; 10 tập đoàn, tổng công ty đến nay đã lỗ lũy kế 17.730 tỷ đồng. Những tập đoàn này được ưu ái mọi điều, được trao một khối lượng vốn, tài sản khổng lồ nhưng làm ăn ngày càng tệ. Đầu tàu kinh tế của đất nước mà như thế thì người dân còn trông đợi vào đâu?
Nhìn nhận về thực tế tái cấu trúc kinh tế, một nguyên phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm: "Thực chất đề án này đã được triển khai nhưng các tập đoàn, DNNN đã làm được gì đâu, tất cả chỉ là hình thức. Nếu không nỗ lực từ nội tại các doanh nghiệp mà chỉ trông chờ vào vận may thì chúng ta không thể tái cấu trúc được".
Không thể bán đổ bán tháo!
Trước hướng tháo gỡ khó khăn này cho quá trình tái cấu trúc vẫn chưa rõ nên trong một phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, các thành viên Chính phủ đã đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến việc ban hành quy định riêng hướng dẫn về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới về việc thoái vốn của các tập đoàn, DNNN, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: "Quá trình thoái vốn cũng cần có lộ trình. Dù đầu tư ngoài ngành cũng là tài sản của Nhà nước nên không thể bán đổ, bán tháo".