Chỉ dùng một lần
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật về vụ việc nêu trên, bác sĩ Lê Thị Thanh Nga, chuyên khoa sản, bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết: “Bao cao su thiết kế chỉ dùng một lần, sau khi dùng xong thì cho vào thùng rác chứ không thể dùng lại được”.
Nói về mối nguy hại khi sử dụng bao cao su tái chế, bác sĩ Nga thông tin: “Việc dùng lại bao cao su rất nguy hiểm. Thứ nhất, bản thân người thực hiện công đoạn tái chế lại có thể bị nhiễm bệnh, thêm nữa bao cao su tái chế không được đảm bảo vô trùng, người không biết mà sử dụng lại dễ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm khuẩn”.
Bác sĩ Nga cũng bày tỏ sự bất bình trước lương tâm của người sản xuất: “Đây là hành động đáng lên án, bao cao su chỉ dùng một lần thôi nên việc tái chế là không chấp nhận được. Không chỉ vi phạm về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Chưa kể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng”.
Từ những phân tích trên, bác sĩ Nga cho rằng cần phải lên án mạnh mẽ với những hành vi bất chấp lương tâm, đạo đức mà trục lợi trên sức khoẻ của đồng loại.
Cần mở rộng điều tra
Cũng trao đổi thêm với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng bao cao su đã qua sử dụng thì được coi như vật tư y tế. Vì thế, phải được quản lý, xử lý theo quy trình. Tuy nhiên, ở đây có người lại thu gom lại và thu gom với số lượng lớn thì người tổ chức thu gom đã vi phạm pháp luật.
“Việc thu gom bao cao su đã qua sử dụng này liên quan đến các bệnh tình dục, có khả năng lây truyền bệnh truyền nhiễm như HIV, giống như lây truyền bệnh Covid-19. Nên, người thu gom đầu tiên sẽ bị xử lý hành chính theo số lượng. Thêm nữa, nếu người nào sử dụng mà bị bệnh truyền nhiễm, có đủ căn cứ thì có thể khởi kiện và người gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người tiêu dùng”, luật sư Vinh nhấn mạnh.
“Rõ ràng, đây là hàng giả kém chất lượng nên người làm ra cũng sẽ bị xử lý hành chính về việc làm hàng giả, nếu số lượng lớn có thể xử lý hình sự về tội làm hàng giả”, luật sư Vinh nói.
Luật sư Vinh cũng phân tích thêm, hành vi tái chế lại bao cao su của người phụ nữ khó có thể làm một mình, bởi thu gom mới là một khâu, còn khâu bao bì, đóng gói và việc thu gom đó ở đâu cũng cần phải được điều tra làm rõ.
“Tôi cho rằng, đây là hoạt động có tổ chức, vì vậy cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ xem có bao nhiêu cơ sở sản xuất, đóng gói bao cao su tái chế, thu gom ở đâu để có nhiều kg bao cao su đến vậy. Đồng thời, phải ngăn ngừa để những chiếc bao cao su tái chế này không bị tuồn ra thị trường”, luật sư Vinh bày tỏ.
Luật sư Vinh cũng cho biết, luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng trong việc xử lý bao cao su sau khi đã sử dụng: “Nếu bỏ trống về mặt pháp lý thì kiến nghị hoàn thiện thể chế pháp lý, để xử lý cẩn thận không thể sử dụng lại bao cao su. Không ai có thể nghĩ rằng lại có thể thu gom được số lượng lớn bao cao su đã qua sử dụng như vậy. Đây là hành vi sai trái, vô đạo đức không thể chấp nhận được. Tôi tự hỏi lương tâm của người sản xuất, thu gom bao cao su ở đâu?”.
Thu giữ 360kg bao cao su đã qua sử dụng
Trước đó, ngày 22/9, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - bộ Công Thương) cho biết ngày 19/9, Đội QLTT số 4 thuộc cục QLTT Bình Dương vừa phối hợp cùng Công an phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) bất ngờ kiểm tra khu nhà trọ ở địa chỉ tổ 4, đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, phát hiện, thu giữ khoảng 324.000 đơn vị sản phẩm (tương đương với 360 kg) là bao cao su đã qua sử dụng chưa tái chế và đã tái chế.
Theo đó, bà Phạm Thị Thanh Ngọc (SN 1987, quê ở Nghệ An) là người gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn. Bước đầu, bà Ngọc không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng và khai nhận, cứ khoảng 30 ngày, bà lại nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người không rõ địa chỉ để súc rửa, phơi khô, phân loại. Sau đó, bà Ngọc sẽ dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới và giao hàng đã gia công cho người này.
Thanh Lam