Theo yêu cầu của đề án tái cơ cấu, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại 6 doanh nghiệp bao gồm: Ngân hàng Thương mại An Bình, Chứng khoán An Bình, Bảo hiểm Toàn cầu, Bất động sản Sài Gòn Vina, Bất động sản Điện lực miền Trung và Công ty Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam.
Mục tiêu của đề án là nhằm bảo đảm EVN tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.
Ngoài ra, EVN sẽ tiến hành tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào 7 nội dung, trong đó có sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của EVN đối với người đại diện vốn của EVN tại doanh nghiệp khác,…
Theo đề án tái cơ cấu mới được Thủ tướng phê duyệt, 14 đơn vị của EVN được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ EVN, 9 doanh nghiệp EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 5 doanh nghiệp EVN nắm giữ trên 50%, 6 doanh nghiệp EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, 4 cơ sở đào tạo được giữ nguyên mô hình, cơ cấu tổ chức hoạt động đến năm 2015.
Tuấn Khanh