Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch

Thứ 5, 26/12/2024 17:08

Lễ đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội mới cho địa phương củng cố thương hiệu toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Xây dựng xứ sở của những âm điệu

Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn tại tỉnh Hà Giang và Non nước Cao Bằng tại tỉnh Cao Bằng.

Danh hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đưa tỉnh Đắk Nông chính thức gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm 213 điểm đến thuộc 48 quốc gia trên thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào về lòng quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực không ngừng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong hành trình vươn đến một thương hiệu quốc tế.

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch- Ảnh 1.

Núi lửa Nâm Kar tại Đắk Nông. (Ảnh: T.H.)

Ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định, vị thế này đã đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy di sản cũng như giữ vững và phát triển danh hiệu này qua các lần tái thẩm định của UNESCO. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định rõ: "Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông" là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nghiêm việc bảo tồn cảnh quan, giá trị địa chất, văn hóa. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá, giáo dục, môi trường, liên kết du lịch và hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về Công viên địa chất. Đồng thời, từng bước nâng cao vị thế của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Trải qua 4 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông bước đầu đã xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trên 3 tuyến trải nghiệm với 41 điểm đến. Các điểm di sản địa chất, các giá trị văn hóa đang được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo; hình thành nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản đặc trưng, hấp dẫn.

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch- Ảnh 2.

Một hang động nằm trong Công an địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, từ khi có Công viên địa chất, tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông tăng lên hàng năm, có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. "Với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, chúng tôi tự hào xây dựng thương hiệu 'Xứ sở của những âm điệu', nơi mà mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi tiếng chiêng cồng đều hòa quyện thành bản giao hưởng kỳ diệu, truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên", ông Mười nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về thực hiện công tác khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đồng thời, ưu tiên quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch gắn với các di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Tỉnh cũng tập trung mời gọi đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch trong khu vực.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân sự quản lý của các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, nhân sự phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch- Ảnh 3.

Tỉnh Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp (Ảnh: T.H.)

Gia tăng những cơ hội mới cho Đắk Nông

Mới đây, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thành công tại kỳ tái thẩm định lần thứ nhất vào tháng 6/2023 và nhận được thông báo của UNESCO về việc tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024-2027 vào tháng 7/2024.

Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan W.Baker, cho hay, quyết định tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông không chỉ là sự đề cao tầm quan trọng của các giá trị địa chất nổi bật của công viên mà còn nhấn mạnh sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững. Với diện tích hơn 4.700 km2 và bao gồm nhiều địa danh có giá trị cao về địa chất, văn hóa và sinh thái, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là một ví dụ điển hình về mối liên kết giữa thiên nhiên và nhân loại, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số năng động, có di sản văn hóa phong phú.

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch- Ảnh 5.

Hồ Tà Đùng ở Đắk Nông được ví như Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên (Ảnh: T.H.).

Theo ông Jonathan W.Baker, sự công nhận sau tái thẩm định sẽ giúp gia tăng những cơ hội mới cho Đắk Nông để củng cố thương hiệu toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Sự ghi nhận Công viên địa chất theo khuôn khổ Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO cũng nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.

"UNESCO luôn cam kết đồng hành cùng Việt Nam, cùng với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, để phát huy giá trị của các danh hiệu và đảm bảo rằng các danh hiệu đó không chỉ là biểu tượng của sự công nhận mà còn là động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững", ông Jonathan W.Baker chia sẻ.

Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2, năm 2024 diễn ra vào ngày 26/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của Đắk Nông trong việc bảo tồn di sản địa chất và gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững.

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch- Ảnh 6.

Tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo với chủ đề "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững".

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 là dịp để khẳng định, ghi nhận nỗ lực, ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Đắk Nông trong việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đồng thời, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Đây cũng là dịp để vinh danh những giá trị về khoa học, địa chất, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Nông, nhằm tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch- Ảnh 7.

Trưng bày các hiện vật về Công an địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Trong khuôn khổ Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, còn có không gian trải nghiệm âm thanh độc đáo. Đây là một điểm nhấn đầy sáng tạo, mang đến cho người tham dự hành trình khám phá di sản bằng giác quan và cảm xúc. Không gian trải nghiệm là một chương trình nghệ thuật mang tính đột phá, khẳng định vai trò tiên phong của tỉnh trong bảo tồn và phát triển di sản, gắn kết địa phương với cộng đồng quốc tế.

Cùng ngày, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo với chủ đề "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững". Hội thảo đặt ra ba mục tiêu chính gồm: Thảo luận mối quan hệ giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và các mục tiêu phát triển bền vững; Đề xuất các sáng kiến thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng; Mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để khai thác tiềm năng của Công viên địa chất như một lớp học ngoài trời, phục vụ giáo dục và nâng cao ý thức bảo tồn.


Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịch- Ảnh 8.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Đắk Nông, mà còn là một biểu tượng cho sự gắn kết giữa con người, thiên nhiên và văn hóa.

Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho hay: "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Đắk Nông, mà còn là một biểu tượng cho sự gắn kết giữa con người, thiên nhiên và văn hóa. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng, Công viên địa chất Đắk Nông sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là một thành viên tích cực trong mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Từ đó, góp phần xây dựng một Đắk Nông phát triển bền vững và thực hiện thành công các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030", bà Hạnh cho hay.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.