Phụ huynh bức xúc vì giáo viên chủ nhiệm tư vấn con không thi lớp 10
Mới đây, chia sẻ trên báo Thanh Niên anh D., một phụ huynh có con học lớp 9A4 Trường THCS Kim Giang (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), kể lại: Ngày 22/4, anh là một trong 9 phụ huynh có con học tại lớp này được cô giáo mời họp riêng. Lúc đầu, cô tư vấn là các em chỉ nên vào các trường trung cấp nghề (trước đó đã có đại diện của trường trung cấp này đến gặp phụ huynh và làm công tác marketing, phát tờ rơi về tuyển sinh của trường…). "Cô nói các con không nên dự thi. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi đều không đồng ý và vẫn chọn nguyện vọng mà chúng tôi cho là phù hợp với lực học của con. Chúng tôi vẫn quyết định nộp đơn đăng ký dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập cho con", anh D. phản ánh.
Cụ thể đoạn ghi âm buổi họp giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh lớp 9A4 cho thấy phụ huynh phản ứng gay gắt với cách tư vấn của giáo viên. Lúc bấy giờ một phụ huynh nữ nói với giáo viên: "Sau 9 năm học, cứ để cho con thi để được một lần thử sức với các bạn ở toàn TP. Nếu giờ tôi về nói với con rằng đừng dự thi nữa, cô sẽ cho con đỗ tốt nghiệp THCS, thì con còn nhục hơn là đi thi mà bị điểm kém". Cũng theo vị phụ huynh này, gia đình không có điều kiện để đóng hàng triệu đồng mỗi tháng học phí cho con học tư thục nên chọn cho con trường ở ngoại thành, xác định phải đi học xa.
Trong buổi họp phụ huynh này, sau khi thấy các phụ huynh vẫn kiên quyết bảo vệ quyền được dự thi của các con, cô chủ nhiệm lớp nói tới đây sẽ tiến hành nhập điểm vào sổ và không "nâng đỡ"… Phụ huynh hiểu rằng nếu cứ cho các con thi thì các con thậm chí sẽ bị "đúp" lớp 9, không đủ điều kiện tốt nghiệp THCS và như thế sẽ không vào được trường nào, kể cả trường tư hay trường trung cấp xét tuyển bằng học bạ.
Các phụ huynh đã truy cập vào hệ thống sổ liên lạc điện tử thì thấy phần điểm lớp 9 của các con trống trơn. Trong khi đó, muốn đăng ký dự thi cho con phải khai điểm học tập của các con qua các năm học. Trước đó, trên sổ liên lạc điện tử có cập nhật điểm học kỳ I, còn có một số điểm của học kỳ II. Phụ huynh cho rằng đây chính là một sự bất thường và có cảm giác là con mình đang gặp nguy hiểm.
Sau khi nắm bắt được sự Việc, bà Phạm Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang trao đổi với phóng viên Tiền Phong sẽ gặp gỡ cha mẹ học sinh để lắng nghe ý kiến. UBND, Phòng Giáo dục quận không bao giờ yêu cầu phân luồng hay ép học sinh không thi. Đối với Nhà trường, trong các cuộc họp đều quán triệt tinh thần giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh về lực học của con để chọn trường chính xác.
“Tôi tuyệt đối không bao giờ ủng hộ việc thầy cô giáo ép học sinh không được đi thi. Nhiệm vụ của giáo viên tư vấn. Tư vấn ở đây là không phải tư vấn cho một đối tượng học sinh cụ thể mà có nhiệm vụ tư vấn cho tất cả đối tượng học sinh cần đăng ký nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình. Hơn ai hết, giáo viên nắm bắt được lực học chính xác nhất”, bà Oanh nói.
Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì về hiện tượng học sinh bị "ép" không được thi vào lớp 10 công lập
Thông tin trên VTC News, ngày 26/4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia thi vào cấp 3 rất mong manh.
Nếu cô giáo ứng xử không khéo léo có thể khiến phụ huynh, học sinh hiểu nhầm, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc. Tuy nhiên, cần xem xét ở từng tình huống cụ thể, xác minh thông tin, không nên nghe phản ánh một chiều.
Những năm trước, giáo viên ở một vài trường cũng định hướng học sinh học lực thấp lựa chọn đăng ký nguyện vọng lớp 10 vào những cơ sở giáo dục phù hợp. Thực tế, có phụ huynh đã quyết định cho con học trường nghề hoặc tư thục. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, có trường hợp học sinh bị nhà trường ép buộc không được thi vào lớp 10, khiến phụ huynh bức xúc. Đây là điều rất đáng tiếc, ông Tiến nói.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, hoan nghênh phụ huynh phản ánh những vướng mắc này để kịp thời xử lý. Với từng sự việc cụ thể, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường xác minh, có hình thức xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh.
Từ năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các trường THCS chấm dứt việc vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (nếu có).
Đồng thời, trong hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 năm nay, lãnh đạo Sở cũng nhấn mạnh, đề nghị các đơn vị tuyệt đối không vận động học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác tới học sinh về quy định liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10 và định hướng phân luồng của thành phố. Học sinh được tự do lựa chọn đăng ký vào các trường THPT, không ép buộc, bảo đảm quyền lợi dự thi của các em.
Về ý kiến việc các trường "ép" học sinh kém không thi lớp 10 nhằm chạy đua thành tích, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định, ngành GD&ĐT Hà Nội không đưa kết quả thi tuyển lớp 10 THPT công lập vào tiêu chí xếp loại thi đua với các đơn vị, trường học.
Sau khi nắm bắt được tình hình, Sở sẽ tiếp tục rà soát, xác minh các phản ánh của phụ huynh, học sinh về tình trạng này. Nếu phát hiện đơn vị, trường học vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, Sở sẽ nghiêm khắc xử lý, ông nói.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 của Hà Nội diễn ra vào ngày 10 và 11/6/2023.
Theo quy định, mỗi học sinh sẽ có ba nguyện vọng vào trường THPT công lập không chuyên và có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường chuyên và một số chương trình đặc biệt khác.
Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT khối không chuyên phải làm ba bài thi gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Điểm xét tuyển sẽ gồm kết quả bài thi toán, ngữ văn (hệ số 2) cộng với ngoại ngữ (hệ số 1) cộng điểm ưu tiên (nếu có). Những học sinh dự tuyển vào các trường chuyên sau khi hoàn thành ba bài thi như học sinh dự tuyển vào khối không chuyên sẽ làm thêm bài thi môn chuyên.
Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh sẽ được chọn hai nguyện vọng trong cùng một khu vực tuyển sinh, phù hợp với địa bàn cư trú của học sinh và một nguyện vọng ở khu vực bất kỳ.
Trúc Chi (t/h)