Khi sinh ra tất cả chỉ một ngón
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, hai cụ thân sinh ra ông đều tham gia Kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà ông xưa kia từng là cơ sở cách mạng che giấu các chiến sĩ cộng sản trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Hiện tại trong nhà ông vẫn còn lưu giữ tấm bằng khen của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng với nội dung khen tặng "Gia đình có công với cách mạng trong Kháng chiến chống Pháp".
Ông Nguyễn Hữu Tiến
Số phận éo le đổ lên gia đình ông khi hai cụ thân sinh ra ông có 6 người con thì trong số đó ông Tiến và ông Tuấn (em trai ông Tiến - PV) mang dị tật bẩm sinh. Bàn tay hai anh em ông mỗi người chỉ có một ngón, bàn chân ông Tuấn cũng như bàn tay, chỉ có một ngón út, chân ông Tiến thì hơn người em mình được một ngón. Tâm lý buồn chán khi sinh ra những người con không lành lặn là điều không tránh khỏi, bởi trong gia đình, dòng họ chẳng có ai bị như anh em ông.
Ông Tiến tâm sự: "Lúc tôi mới sinh ra, khi nhìn thấy con trai quá dị thường, khi đó còn thiếu hiểu biết, làng xóm lại dị nghị cho rằng có chuyện ma quỷ, nên bố tôi đã chôn sống tôi hai lần. Cả hai lần tôi đều được người mẹ khốn khổ lao vào cứu. Không chôn sống được, bố tôi lại bỏ đói không cho tôi ăn uống mấy ngày liền nhưng có lẽ số mệnh cao nên dù bị bỏ đói tôi vẫn sống. Thế rồi khi sinh chú thứ hai bình thường nhưng sinh chú út thì bất hạnh thay lại mắc chứng một ngón như tôi khiến ông đâm ra trầm cảm. Ông ít nói năng, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh hơn. Trách ông nhưng tôi rất thương ông vì đó là nỗi đau quá lớn mà một người cha như ông phải chịu".
Những tưởng dị tật hiếm hoi ấy chỉ là đột biến qua một thế hệ nhưng không, khi ông Tiến và ông Tuấn trưởng thành, với nghị lực phi thường để không thua kém các bạn bè cùng trang lứa về chuyện học hành, làm việc thì hai ông cũng đến tuổi lập gia đình. Ông Tiến lấy vợ trước, niềm vui đến với gia đình ông khi những đứa con đầu không có biểu hiện gì giống bố, chúng lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng đến đứa con gái thứ năm thì lại mang trên mình dị tật giống bố.
Lúc này em trai của ông Tiến, ông Tuấn cũng lập gia đình. Nhưng không may mắn như anh, ông Tuấn sinh ra hai người con trai thì cả hai đều giống bố. Sinh ra với những phần khuyết trên cơ thể, họ sống trong sự khó khăn tột cùng bởi những công việc nặng của người đàn ông bình thường họ không làm được.
Năm 1999 sau khi người vợ cả của ông Tiến qua đời một thời gian, ông đi bước nữa. Lấy người vợ trước được bảy người con gái, niềm vui đến với ông khi người vợ hai sinh cho ông một đứa con trai nối dõi. Thế nhưng cháu Nguyễn Hữu Đạt (SN 1999) lại mắc phải di chứng giống bố. Không hiểu vì sao gia đình, dòng họ nhà mình lại bị căn bệnh lạ lùng này, ông tìm đến rất nhiều bệnh viện, rất nhiều bác sĩ để hỏi nhưng không ai mang lại cho ông một lời giải đáp chính xác. Vì ông là con cả, Đạt lại là cậu con trai duy nhất của gia đình nên việc Đạt mắc bệnh này đã khiến ông hết sức lo lắng. Có thời điểm ông đưa Đạt lặn lội hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hầu mong tìm ra phương cách chữa trị hoặc lắp ngón tay giả cho con nhưng tất cả đều vô vọng.
Tài hoa của người chỉ có một ngón tay
Sinh ra với những khuyết điểm trên cơ thể không được bằng người bình thường nên muốn có cuộc sống bình thường thì người ta thường phải cố gắng gấp nhiều lần. Và trường hợp của ông Tiến là như vậy. Chẳng biết có phải do trời bù đắp hay không nhưng chỉ với 2 ngón tay, ông có thể làm bất cứ việc gì một cách rất chuẩn. Thậm chí, lúc nhỏ ông còn là tấm gương về học tập để nhiều bạn lành lặn học theo. Đang trò chuyện, thi thoảng ông lại mở bao thuốc, lấy ra một điếu châm và hút rất bình thường. Động tác của ông nhanh thoăn thoắt không có vẻ gì là gặp khó khăn mặc dù mỗi bàn tay của ông thiếu đi... bốn ngón so với người bình thường.
Ông Tiến và con trai
Ông kể chúng tôi nghe về quãng đời trước đó của mình. Do dị tật bẩm sinh mà ông không được tham gia vào quân đội để phục vụ Tổ quốc, thế nhưng học tập để xây dựng Tổ quốc thì ông làm được. Năm 1960, sau khi học xong phổ thông ông học trường ĐH Ngoại Ngữ khoa Trung Văn. Sau khi tốt nghiệp ông về dạy ở trường Nguyễn Huệ (Hà Đông) vào năm 1964.
Ông nhớ lại quãng thời gian đi dạy học, hồi đó học sinh thấy thầy bị dị tật như vậy thì cũng hơi e ngại, nhưng nhờ chút tài lẻ viết, vẽ đẹp, cộng với khoản kể chuyện, giao tiếp tốt tôi được các em học sinh và các bạn đồng nghiệp rất quý. Ông vẫn còn giữ tập lưu bút của các em học sinh ngày trước, qua mấy chục năm nét chữ đã mờ nhưng ông vẫn nâng niu, trân trọng vì đó là tình cảm của lứa học sinh đầu tiên ông dạy. Dạy học được một năm, ông quay lại sự nghiệp học hành. Ông theo học ở Học Viện Ngân Hàng, học xong ông chuyển về ngân hàng tỉnh Hà Nam công tác từ năm 1965 đến 1992, ông về hưu.
Người ta thường nói, trời không lấy không của ai cái gì bao giờ, được cái này thì mất cái nọ. Ông thiếu đi 8 ngón tay, 6 ngón chân nhưng bù lại ông có nghị lực phi thường, được nhiều người quý mến bằng rất nhiều tài lẻ. Ông kể trong sự hồ hởi về thành tích viết chữ đẹp, ông đã từng viết bằng khen, giấy khen khi còn đang đi học cũng như trong quá trình công tác sau này. Không chỉ có vậy, con số 230 là con số các đám cưới cho đến nay mà ông đã từng kẻ vẽ, cắt chữ trên phông bạt. Ông chỉ lên bức ảnh cưới của ông với người vợ đầu tiên treo trên tường. Bức ảnh rất có hồn do ông vẽ bằng sơn dầu để kỷ niệm ngày cưới khiến chúng tôi càng thêm cảm phục một con người như ông.
Khi về hưu, ông cùng vợ làm nông nghiệp, sẵn nhà có hơn mẫu ruộng nhưng chỉ dám cấy vài sào lúa. Ông bảo, giờ mình không đử sức để làm nữa rồi. Với vốn kiến thức tiếng Hán sẵn có, thi thoảng ông cũng được người làng nhờ dịch những sắc phong, gia phả. Hay lúc "ngứa nghề" ông còn nhận lời đi dạy tiếng Trung cho các lớp xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Trung Quốc). Cuộc sống về già của người đàn ông tàn nhưng không phế này luôn có sự vận động. Ông không chịu ngồi yên sống cuộc sống buồn tẻ. Khi rảnh rỗi ông lại chăm chút cho vườn cây cảnh, mới đây có người phục tài còn đưa ông lên tận Tuyên Quang nhờ ông uốn, tạo thế cho cây.
Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", ông Tiến lại muốn truyền cho cậu quý tử những "ngón nghề" như cắt, vẽ, đánh máy, chơi đàn piano... để sau này đỡ khổ. Bà Nguyễn Kim Thỉnh (mẹ Đạt) cho biết: Mặc dù tay chân tật nguyền song Đạt rất khéo tay, làm được rất nhiều việc. Đạt rất đam mê vẽ và bộc lộ năng khiếu này từ rất sớm. Những bức tranh của Đạt không chỉ có các nhân vật hoạt hình mà còn có cả thế giới của muôn loài động vật, có cuộc sống thanh bình ở những làng quê và thành thị... Năm lớp 2, Đạt được nhà trường cử đi dự cuộc thi vẽ của huyện. Bức tranh em vẽ cảnh mọi người đi chơi Tết, cảnh quê hương với đồng ruộng và cánh diều đã được ban tổ chức trao giải nhất.
Liên tiếp trong hai năm lớp 2 và 3, Đạt là một trong ba học sinh đại diện của lớp được mang vở chính tả đi thi vở sạch chữ đẹp của trường và đạt giải khuyến khích. Năm nay Đạt đã học lên lớp 6. Trong sáu năm liền cậu bé đều là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Có lẽ những với những thành tích của đứa con cưng này đã làm ông mãn nguyện phần nào và là niềm vui luôn bên cạnh ông trong lúc tuổi đời xế bóng.
Hoàng Việt - Văn Thịnh