Một số vụ việc bị phanh phui và xử lý cũng chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm. Thực tế, nhiều vụ việc lúc đầu như to con voi nhưng khi xét xử thì chỉ bằng con chuột. Việc kéo dài thời gian điều tra cũng là điều kiện để người ta “chạy án”, ông Lê Văn Cuông, nguyên ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bức xúc về những vụ việc “chạy án” trong chính ngành tư pháp.
Khi người cầm cán cân công lý bị mua chuộc
Vừa qua, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thừa nhận gần đây có nhiều vụ án liên quan đến cán bộ ngành tòa án ăn hối lộ, “chạy án”. Và đã có không ít vụ việc cụ thể bị tố giác, ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Trước đây, dư luận đã phàn nàn rất nhiều về việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân nhưng người ta vẫn tin các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan tư pháp bởi họ nghĩ đây là cán cân công lý sẽ không có tiêu cực. Vậy mà, càng ngày vấn đề này đã xuất hiện, xâm nhập vào các ngành từ công an, viện kiểm sát đến tòa án.
Người ta cho rằng, khi tiêu cực đã xâm nhập vào cơ quan bảo vệ pháp luật thì sẽ xảy ra tình trạng những người ngay thật có khi bị oan sai, còn người phạm pháp lại có cơ hội thoát tội. Đó là một vấn đề mà bản thân tôi cũng như dư luận rất lo lắng.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, việc “chạy án” đã âm ỉ từ rất lâu chứ không phải gần đây mới có, thưa ông?
Càng ngày vấn đề này càng bộc lộ trong các cơ quan tư pháp. Một số vụ việc bị phanh phui và xử lý cũng chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm. Thực ra nó âm ỉ những tiêu cực không được phát hiện còn lớn hơn nhiều, nó bám rễ ở các cơ quan này còn rất nặng nề chứ không đơn giản như một số vụ tai tiếng bị phát giác.
Vấn đề này chỉ lộ diện trong bối cảnh chung của xã hội, con người cũng bị ảnh hưởng, tác động. Nhất là trong môi trường đồng tiền chi phối nên xảy ra đủ các loại “chạy”. Và những giải pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý không cao, chính vì thế trên diễn đàn Quốc hội người ta đặt ra câu hỏi về sự minh bạch trong một số vụ án mặc dù đại diện tòa án đã nói xử đúng người đúng tội.
Như vậy là sẽ còn không ít vụ án vẫn bị bỏ lọt tội phạm, nhất là án kinh tế, tham nhũng khi xét xử vẫn “dựa” vào nhân thân của bị cáo, thưa ông?
Có những vụ việc lúc đầu như to con voi nhưng khi xử thì chỉ bằng con chuột. Trong quá trình điều tra để kéo dài thời gian cũng là điều kiện để người ta “chạy án”. Tuy nhiên, chúng ta không phát hiện ra nên mọi chuyện tưởng rất tốt đẹp.
Vậy theo ông thì vì sao người thực thi pháp luật lại cố tình vi phạm pháp luật?
Một số nhỏ trong ngành tư pháp giàu lên nhanh chóng thì chúng ta cũng nên đặt ra câu hỏi tiền từ đâu mà nhiều vậy. Có người cho rằng trong quá trình phạm tội, người nhà bị can phải bỏ tiền “chạy” khắp nơi. Từ án nặng chạy thành nhẹ, từ án nhẹ thành không có gì. Đó là tệ nạn lớn, nhất là án kinh tế thường xuất hiện sự “chạy” rất phổ biến. Bởi vì tham nhũng về kinh tế mà nên họ có kinh tế để “chạy”. Kể cả các án hình sự như ma túy họ vẫn “chạy”, đặc biệt, cụ thể nhất là họ mua chuộc cơ quan tố tụng từ những khung hình sự rất rộng 2 đến 7 năm nên họ sẽ vận dụng để hưởng mức thấp nhất. Thậm chí, còn những vụ tuyên án khiến dư luận bất ngờ.
Nếu sai phạm phổ biến như vậy thì ai sẽ là người “xét xử” ngành tòa án, thưa ông?
Tham nhũng là hiện tượng thực tế mà chỉ có trong nội bộ ngành mới biết được và có khả năng xử lý được. Nhưng trong nội bộ ngành lại bao che nhau và bảo vệ lợi ích nhóm nên rất khó xử lý. Trong đó đầy rẫy tiêu cực, những thỏa thuận ngầm. Đây là tai họa cho đất nước khi các cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật và bảo kê cho tội ác. Còn người không có tiền “chạy” sẽ bị phạt nặng, người có tiền thì thoát tội. Đây là vấn đề Quốc hội đã nêu nhiều và đặt câu hỏi nhưng việc giải quyết rất khó khăn.
Người trong ngành càng dễ “chạy án”?
Theo ông, đa phần những người tham gia “chạy án” thường là cán bộ và có “mối quan hệ” trong ngành?
Thì người ta làm trong ngành nên người ta rất hiểu đường đi nước bước và kẽ hở của pháp luật cộng với việc để đồng tiền chi phối nên người ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Nếu như luật pháp nghiêm minh, quản lý cán bộ nghiêm túc thì những trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm túc, minh bạch sẽ có sức răn đe lớn. Nhưng việc này chưa được xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí bao che và xử lý nội bộ nên làm cho tình hình nghiêm trọng. Còn người bên ngoài không biết được và tố giác nên sai phạm kéo dài.
Vậy theo ông sẽ khó phát hiện được sai phạm trong ngành tư pháp?
Luật pháp quy định oan sai cấp dưới thì cấp trên có trách nhiệm. Nhưng nó có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự quan liêu bởi họ không muốn đi sâu và cứ theo án của cấp dưới, khi lên trên vẫn y án. Thứ hai từ việc cả nể nhau, lợi ích nhóm trên dưới, đan xen ràng buộc. Còn người bên ngoài không biết thế nào để giám sát bởi lĩnh vực này rất khó và chỉ có người trong ngành, nhất là cấp trên trực tiếp người ta hiểu biết và có uy quyền, khả năng nghiệp vụ để giải quyết vấn đề oan sai và đơn thư của dân. Thế nhưng nếu người này cũng có sự vô cảm theo hệ thống thì cuối cùng vẫn thực hiện theo kiểu hành chính và việc đã rồi nên hợp thức hóa.
Nếu như “cái cân” của sự công bằng, công lý cũng bị mua chuộc thì chúng ta đành bất lực?
Phải có thiết chế, hoặc cơ quan độc lập nào đó ngoài tòa án để giám sát. Cơ quan này sẽ giám sát, phát hiện và vào cuộc ngăn chặn sự bao che nội bộ cho nhau. Nếu cứ để hệ thống trên dưới bao che cho nhau sẽ làm méo mó sai lệch. Cơ quan tư pháp có thể vẫn mang suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”, ngại đụng chạm nên cuối cùng chỉ người dân là khổ.
Chứ như hiện nay họ có vẻ không sợ và vẫn nảy sinh việc “chạy án”.
Xin cảm ơn ông!
Minh Khánh – Cao Tuân