Vào ngày thứ 2 của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 78, một lần nữa, phần lớn sự chú ý tập trung vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã tham dự một phiên họp căng thẳng tại Hội đồng Bảo an (UNSC) nơi Nga là một thành viên thường trực.
Ukraine hiện không phải là một thành viên của UNSC, nhưng được mời tham dự phiên họp tại cơ quan quyền lực nhất của LHQ về cuộc xung đột dai dẳng ở quốc gia Đông Âu.
Cuối cùng, cuộc chạm trán giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng thống Ukraine không thành hiện thực, do ông Zelensky đã rời đi ngay sau khi phát biểu xong và trước khi ông Lavrov đến.
“Chọc vào tổ ong bắp cày”
Trong những bình luận tương đối ngắn gọn tại phiên họp hôm 20/9, ông Zelensky không thu hút chú ý vào thực tế khốc liệt trên chiến trường, mà thay vào đó nhà lãnh đạo Ukraine nhắm vào cơ cấu của UNSC, cơ quan của LHQ được trao quyền để thực hiện những hành động cứng rắn nhất, bao gồm việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và triển khai quân nhân.
5 quốc gia – Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh – là thành viên thường trực UNSC (gọi là P5) và có quyền phủ quyết. 10 ghế còn lại luân phiên giữa hơn 170 quốc gia thành viên khác, nhiệm kỳ 2 năm, và không có quyền phủ quyết.
Không giống như bài phát biểu trước Đại hội đồng hôm 19/9, lần này ông Zelensky chọn phát biểu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tổng thống Ukraine ủng hộ việc thay đổi các quy định của LHQ để cho phép Đại hội đồng, bao gồm tất cả 193 quốc gia thành viên, bác bỏ quyền phủ quyết của UNSC với 2/3 số phiếu bầu. Nhưng điều trớ trêu là bản thân sự thay đổi này, nếu được đưa ra, sẽ phải chịu sự phủ quyết của nhóm P5.
Đáng chú ý, cả Ngoại trưởng Antony Blinken của Mỹ và Phó Thủ tướng Oliver Dowden của Anh – những quốc gia không muốn thấy quyền lực của mình bị suy giảm – đều không đề cập đến đề xuất của ông Zelensky trong bài phát biểu của họ.
Nhưng trong tuần này, nhiều quốc gia khác đã nêu vấn đề tái cơ cấu UNSC, cho rằng cơ quan này cần đại diện rộng rãi và công bằng hơn, và ít nhất là hạn chế quyền phủ quyết, nếu không muốn nói là bãi bỏ quyền này.
“Tôi nghĩ ông Zelensky cho rằng bằng cách nói về cải cách LHQ, ông ấy đang biến cuộc chiến ở Ukraine thành một mục tiêu toàn cầu”, ông Richard Gowan, Giám đốc về LHQ tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
“Ông ấy đúng ở chỗ nhiều thành viên LHQ tin rằng UNSC đã lỗi thời và cần cải cách, và quyền phủ quyết đặc biệt không được ưa chuộng. Nhưng cải tổ UNSC giống như chọc vào tổ ong bắp cày về mặt ngoại giao, và những trở ngại về thủ tục và chính trị đối với việc cải cách UNSC hoặc thay đổi các quy tắc phủ quyết là rất cao”, ông Gowan nói.
Ông Zelensky cũng cho rằng LHQ đã sai lầm khi để cho Nga kế thừa những đặc quyền của Liên Xô sau khi khối này tan rã vào những năm 1990, “mà vì một lý do nào đó mà nước này vẫn còn ở đây trong số các thành viên thường trực của UNSC”.
Khi nhà lãnh đạo Ukraine đang phát biểu, thì Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, nhìn xuống điện thoại và gõ nhẹ vào màn hình.
“Công cụ hợp pháp” trong quan hệ quốc tế
Tổng thống Ukraine, ngay sau khi phát biểu xong, đã rời phòng họp. Do đó, không có cuộc chạm trán giữa ông và ông Lavrov – nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bài phát biểu trước UNSC, Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc phương Tây chỉ tập trung vào các nhu cầu địa chính trị của mình. Ông nói rằng điều này đã “làm rung chuyển sự ổn định toàn cầu cũng như làm trầm trọng thêm và kích động các điểm nóng căng thẳng mới”. Theo ông, nguy cơ xung đột toàn cầu đã tăng cao.
Bộ trưởng Lavrov, người nắm quyền lãnh đạo chính sách ngoại giao của Nga trong gần 20 năm qua, cũng bảo vệ việc Moscow sử dụng quyền phủ quyết tại UNSC như một “công cụ hợp pháp” trong quan hệ quốc tế.
Trong số 5 thành viên thường trực, Nga là nước sử dụng quyền phủ quyết thường xuyên nhất, với 120 phiếu phủ quyết cho đến nay. Tiếp theo là Mỹ với 82 phiếu phủ quyết. Trung Quốc nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết, trong khi Anh và Pháp đã không sử dụng quyền phủ quyết kể từ năm 1989.
“Quyền phủ quyết là một công cụ hợp pháp được thiết lập trong Hiến chương LHQ nhằm ngăn chặn việc thông qua các quyết định có thể gây chia rẽ tổ chức”, ông Lavrov lập luận.
Ông cho rằng “phương Tây đang nêu ra vấn đề lạm dụng quyền phủ quyết và nhắm vào một số thành viên LHQ”, điều mà ông cho là ám chỉ rõ ràng đến đất nước ông.
Nhà ngoại giao Nga kết thúc bài phát biểu của mình bằng bình luận thể hiện đồng cảm với các nước thuộc Thế giới thứ ba đang phải chịu các lệnh trừng phạt của UNSC.
“Những hạn chế nhân đạo của các biện pháp trừng phạt nên được xem xét, tức là các cơ quan LHQ phải cân nhắc về hậu quả nhân đạo của các biện pháp trừng phạt này, thay vì những lời hô hào mang tính mị dân của các đồng nghiệp ở phương Tây”, Ngoại trưởng Nga nói.
Dù ông Lavrov không nêu tên quốc gia cụ thể nào, nhưng nhiều quốc gia đang bị trừng phạt là đồng minh của Nga, bao gồm Syria, Iran, Triều Tiên, Cuba, Venezuela và Mali.
Ông Lavrov cũng nói rất nhiều về cuộc chiến ở Ukraine, nhắc lại lập luận rằng chính quyền của Tổng thống Zelensky phân biệt đối xử và ngược đãi những người nói tiếng Nga, và Moscow ủng hộ đàm phán với Kiev nhưng không có điều kiện tiên quyết.
Minh Đức (Theo EFE/La Prensa Latina, NY Times, DW)