Sau những chỉ trích ồn ào về việc kích động đánh người cha bạo hành con nhỏ, tuyên bố sẽ tặng giải thưởng trị giá 20 triệu đồng cho ai tát vào mặt người đàn ông và quay clip gửi về cho mình, ngày 24/10, tài khoản Đàm Vĩnh Hưng đã gửi lời xin lỗi và thừa nhận bản thân thiếu kiến thức về luật.
Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, với một tài khoản Đàm Vĩnh Hưng có nhiều lượng người theo dõi như vậy thì sự kích động này cũng cần phải xử lý để răn đe.
Trước sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Việc tài khoản Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng xin lỗi trên fanpage là hành xử của cá nhân nên việc đó là hết sức bình thường vì họ nhận ra hành vi xúi giục là không đáng có. Còn dưới tư cách của cơ quan pháp luật, câu chuyện đó lại khác hoàn toàn khác, chúng ta cần tách biệt ra”.
Luật sư Hùng cũng phân tích, câu chuyện tài khoản Đàm Vĩnh Hưng xúi giục và treo thưởng cho người khác đánh ông bố đã bạo hành con cần nhìn nhận ở hai góc độ.
Thứ nhất, chúng ta phải chứng minh hành vi xúi giục và hệ quả xảy ra có liên quan gì đến nhau và người thực hiện hành vi đánh người khác có liên quan đến người xúi giục?
Bởi, trong trường hợp đánh người khác nhưng thực tế nó phát sinh từ trước hoặc bản thân người đi đánh ông bố kia nếu không sử dụng tài khoản mạng xã hội cũng không biết nội dung treo thưởng của tài khoản Đàm Vĩnh Hưng thì việc ra quyết định xử phạt hoặc bắt tài khoản Đàm Vĩnh Hưng liên đới thì sẽ rất là khó. Vì vậy, mấu chốt vấn đề là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chứng minh được người xúi giục và hành vi của người thực hiện việc đánh người khác có mối liên hệ nhân quả và kết quả với nhau trong một mắt xích của sự việc.
Khi ấy chúng ta sẽ căn cứ vào mức độ xâm hại tới thân thể và sức khỏe của ông bố tát con bị đánh để xử phạt. Nếu xử phạt hành chính thì người liên đới (tài khoản faceook Đàm Vĩnh Hưng – PV) cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi của người đánh ông bố đã bạo hành con.
Thứ hai, chúng ta cũng cần xác định rõ, tài khoản Đàm Vĩnh Hưng là một trong những chủ tài khoản có lượng theo dõi lớn và có sức hút, ảnh hưởng đối với công chúng.
Cho nên việc phát ngôn không còn là phát ngôn với tư cách cá nhân nữa mà chính là sử dụng mạng xã hội để kích động người khác thực hiện hành vi xấu. Nếu như trong trường hợp không xem xét được sự liên đới thì phải xét đến việc kích động trên mạng xã hội để người khác phạm tội.
“Dù tài khoản Đàm Vĩnh Hưng có lên tiếng xin lỗi, nhưng lời xin lỗi đó không phải là một trong những tình tiết để giảm nhẹ và bỏ qua trước những quy định của pháp luật mà trước đấy người ta đã vi phạm.
Nếu chứng minh hành vi ấy đủ cấu thành để truy tố hoặc phạt vi phạm hành chính thì vẫn tiến hành bình thường. Lời xin lỗi của tài khoản Đàm Vĩnh Hưng cũng có thể là một trong những tình tiết xem xét để không có hình thức tăng nặng hình phạt”, luật sư Hùng cho biết.
Trước đó, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ: “Cách hành xử theo kiểu bản năng của Đàm Vĩnh Hưng là không thể chấp nhận được, vì chúng ta có hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em, quyền con người.
Việc ai xâm phạm thân thể người khác sẽ bị pháp luật xử lý, trừng trị, dù là cha mẹ xâm hại con cái. Điều đó đã ghi trong luật định. Đàm Vĩnh Hưng không thể hành xử theo kiểu đứng trên luật pháp để bảo vệ công lý hay nhân phẩm người khác, dù sự bức xúc, tình cảm là chân thật”.
M.Thu