Chiến đấu cơ Su-27 của Nga.
Nga và NATO từng có thời điểm chỉ cách xung đột toàn diện một bước khi chiến đấu cơ của nước này suýt chút nữa đã bắn rơi một máy bay do thám Anh, tờ Washington Post dẫn thông tin từ tài liệu mật bị rò rỉ gần đây của Lầu Năm Góc. Báo Nga RT hôm 9/4 đã trích dẫn lại thông tin này.
Sự việc xảy ra vào tháng 9/2022, dường như nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì Anh từng công khai tuyên bố. Khi đó, phía Anh đã chấp nhận lời giải thích của Nga rằng có xảy ra sự cố kỹ thuật liên quan tới việc chiến đấu cơ Su-27 Nga chặn máy bay do thám RC-135 của Anh.
Phát biểu trước Quốc hội vào tháng 10/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói hai chiến đấu cơ Su-27 Nga đã áp sát chiếc RC-135 của Anh ở không phận quốc tế trên Biển Đen. Một chiếc được cho là chỉ cách máy bay Anh vài mét, tài liệu mật bị rò rỉ cho biết.
Trong quá trình chạm trán, một chiến đấu cơ Nga đã "phóng tên lửa gần máy bay Anh", ông Wallace nói với các nghị sĩ Anh. Ông Wallace mô tả sự cố là "trục trặc kỹ thuật" sau khi trao đổi với giới chức Nga.
Theo tờ Washington Post, nếu máy bay quân sự Anh bị chiến đấu cơ Nga bắn rơi thì điều 5 trong Hiệp ước NATO có thể được kích hoạt, dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của lực lượng NATO vào xung đột ở Ukraine hoặc đưa NATO vào thế đối đầu trực tiếp với Nga.
Mỹ, Anh và Nga hiện chưa lên tiếng về thông tin do tờ Washington POst đăng tải, theo RT. Kể từ đó, Mỹ đã thận trọng hơn trong các chuyến bay trinh sát ở Biển Đen.
Mỹ đã vạch rõ khoảng cách 92km tính từ vùng bờ biển Crimea là khu vực có thể xảy ra đụng độ trực tiếp.
Khác với các đồng minh Anh và Pháp, Mỹ sử dụng máy bay không người lái (UAV) như RQ-4 Global Hawk, the RQ-170 Sentinel và MQ-9 Reaper làm nhiệm vụ trinh sát ở Biển Đen.
Trong sự cố xảy ra vào tháng 3/2023, một chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ đã rơi ở khu vực cách tây nam cảng Sevastopol, Crimea khoảng 60km.
Nga không phủ nhận có biện pháp ngăn chặn UAV Mỹ nhưng khẳng định chiến đấu cơ Nga không tác động vật lý tới chiếc MQ-9 Reaper và cũng không sử dụng vũ khí.
Kể từ sự cố này, Mỹ đã một lần nữa điều chỉnh lại tuyến đường bay trinh sát ở Biển Đen.
Đăng Nguyễn - RT, Washington Post