Tai nạn đường sắt thảm khốc: ĐBQH truy trách nhiệm chính quyền địa phương
Dương Thị Thu
Thứ 5, 24/05/2018 11:32
0
Vụ tai nạn lật tàu thảm khốc ở Thanh Hóa làm 2 người chết, nhiều người bị thương khiến ĐBQH hết sức đau lòng và cho rằng, quản lý đường ngang dân sinh còn lỏng lẻo.
Vụ tai nạn lật tàu đường sắt thảm khốc sáng nay ở Thanh Hóa khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn lật tàu thảm khốc này được xác định là do xe tải chở đá thiếu quan sát đã bị tàu Bắc Nam tông trúng. Vụ lật tàu thảm khốc này đã khiến nhiều toa tàu trật khỏi đường ray, ít nhất 2 người tử vong và nhiều người khác bị thương.
Bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, bày tỏ rất đau lòng trước vụ tai nạn lật tàu thảm khốc này khi vừa biết thông tin. ĐBQH Lê Công Nhường gửi lời chia buồn sâu sắc tới phía gia đình các nạn nhân có người thiệt mạng và bị thương.
Nói về thực trạng tàu hỏa chạy cắt đường ngang dân sinh hiện nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, vấn đề này đã nói đến nhiều nhưng ngành Đường sắt, bộ Giao thông Vận tải dường như vẫn loay hoay, chưa có một đáp án chính xác để giải quyết triệt để. Tình trạng đường ngang dân sinh không có barrie rào chắn vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Đây là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất lớn. Hậu quả đã có nhiều trên thực tế, gần nhất có thể thấy ngay là vụ tai nạn lật tàu Bắc Nam sáng 24/5.
Để khắc phục tình trạng này, ĐBQH Lê Công Nhường đề xuất áp dụng công nghệ 4.0 trong vấn đề quản lý đường ngang dân sinh hiện nay. "Cần có người gác chắn tàu ở tất cả các đường ngang dân sinh. Bên cạnh đó, chúng ta có thể áp dụng đặt camera ở các đường ngang dân sinh này, truyền dữ liệu về ngay các ga chủ, báo đến trưởng tàu, kết hợp với công tắc của động cơ báo động. Việc này sẽ phát hiện được chướng ngại vật từ khoảng cách nhất định như 200m, giúp cho trưởng tàu xử lý, hoặc thậm chí là có cơ chế tự động ngắt động cơ, tránh các tai nạn thảm khốc như vụ lật tàu Bắc Nam ở Thanh Hóa khiến 2 người chết, nhiều người bị thương sáng nay", ĐBQH Lê Công Nhường nói.
Cũng theo ĐBQH Nhường, việc này có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương để rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp tốt nhất để có thể nhân rộng.
"Để giảm bớt các thiệt hại lớn, trước khi xây dựng được đường sắt tốc độ cao 200km/h như tôi từng đề xuất, trong quá trình chúng ta chưa thể xây dựng tất cả các cầu vượt qua đường sắt hay gác chắn barrie ở khu vực giao cắt đường ngang dân sinh thì có thể ứng dụng công nghệ 4.0 với biện pháp gắn camera như tôi nói ở trên", ĐBQH Lê Công Nhường nói thêm.
Đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh, ĐBQH Lê Công Nhường nêu ý kiến: "Chính quyền địa phương không thể thiếu trách nhiệm được. Thậm chí, từng có ý kiến cho rằng, nơi nào để mở đường ngang dân sinh mà để xảy ra tai nạn thì người đứng đầu địa phương đó có thể mất chức. Điều này cho thấy, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông đường sắt.
Cần nghiêm túc và triệt để trong vấn đề quản lý đường ngang dân sinh. Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, chấp hành nghiêm các quy định của luật, bộ Giao thông Vận tải cũng cần đổi mới cách quản lý, vận hành của ngành Đường sắt để vừa hiệu quả, vừa an toàn. Trước đây cho đến bây giờ, chi phí đầu tư cho đường sắt là khá lớn, nhưng chất lượng vận tải đường sắt vẫn chưa được cải thiện nhiều, cũ kỹ và lạc hậu, là điều đáng buồn".
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.