Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Sau vụ tai nạn thảm khốc, PV có mặt tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum ghi nhận thông tin từ những hành khách gặp nạn đang được điều trị tại đây. Nằm trên giường bệnh với vẻ mặt nhăn nhó vì đau đớn, ông Nguyễn Khắc Thược (61 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn kinh hoàng.
Ông kể lại: "Trong lúc xe khách đang xuống dốc, có người hô to: “Phanh lại” thì tài xế nói: “Mất phanh rồi”. Còi báo động của xe khách kêu inh ỏi. Xe lao xuống dốc với tốc độ kinh hoàng rồi tông gãy lan can và lao xuống vực sâu".
Theo ông Thược, gia đình ông có 7 người trên xe khách. Sau vụ tai nạn có 3 người bị thương nhẹ. Người con trai của ông 36 tuổi hiện vẫn hôn mê, 2 đứa cháu bị thương nặng cũng đang được điều trị còn vợ ông bị rách vùng mặt.
“Toàn thể gia đình tôi ngồi đằng sau xe nên không ai tử vong. Những người ngồi phía trước đa số bị thương rất nặng. Lúc xe nằm ở dưới vực, nước suối tràn vào, tôi phá kính xe rồi kéo những người thân ra ngoài", ông Thược thuật lại.
Cũng chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Bắc (ngụ tỉnh Bình Phước) cho biết, anh cùng hai đứa con nhỏ về thăm quê ở tỉnh Hưng Yên. Lúc tai nạn xảy ra, anh và con đang trên đường vào lại tỉnh Bình Phước.
Anh Bắc nhớ lại: "Khi lên xe, hết ghế nên ba bố con tôi được nhà xe bố trí nằm ở đường luồng. Đang thiu thiu ngủ, tôi nghe mọi người trên xe hoảng hốt, la hét. Tôi tỉnh dậy thấy xe đang lao đi với tốc độ chóng mặt.
Sau đó, một tiếng động mạnh vang lên, tiếng mọi người gào thét trong đêm tối. Tôi may mắn bị thương nhẹ. Lòng nóng như lửa đốt, tôi vừa lo lắng vừa gọi to, vừa lần mò tìm hai đứa con. May mắn hai đứa vẫn còn sống".
Liên quan đến nhiều vụ tai nạn liên tục xảy ra tại khu vực đèo Lò Xo (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc sở GTVT tỉnh Kon Tum đề xuất ủy ban ATGT Quốc gia có ý kiến với bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát các “điểm đen” về tai nạn giao thông tại khu vực đèo Lò Xo để có giải pháp xử lý dứt điểm.
Giải pháp trước mắt là nghiên cứu phương án xây dựng tường hộ lan tại một số “điểm đen” nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, xem xét mặt đường, hạ độ dốc, mở rộng bán kính cua, nghiên cứu làm hộ lan tốt hơn để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.