Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVC-TH) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối ảm đạm khi lợi nhuận sau thuế âm 1,266 tỷ đồng. Mức lỗ này tuy có giảm nhiều so với con số âm 4,547 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn khiến nhiều nhà đầu tư nuối tiếc cho một thương hiệu lớn tại xứ Thanh.
Là một công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, tuy nhiên, trong kỳ PVH-TH chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ vỏn vẹn 10,04 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn ghi nhận 9,59 tỷ đồng, tương đương khoảng 96% doanh thu, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 455 triệu đồng. Trong kỳ, đơn vị cũng ghi nhận 1,4 tỷ doanh thu từ hoạt động tài chính, tuy nhiên, thu nhập này cộng với mức lợi nhuận gộp khiêm tốn không thể giúp PVH thoát lỗ trong kỳ sau khi trừ các khoản như chi phí quản lý, chi phí khác...
Với kết quả này, PVC-TH đã tiếp tục nối dài chuỗi thua lỗ của mình nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2019 ghi nhận âm 7,7 tỷ đồng; năm 2020 âm 5,8 tỷ đồng; năm 2021 âm 33,2 tỷ đồng; năm 2022 âm 6 tỷ đồng.
Tương tự, do cả yếu tố khách quan và chủ quan, nhiều năm gần đây Xây lắp dầu khí Thanh Hóa cũng ghi nhận doanh thu trồi sụt thiếu ổn định khi lần lượt ghi nhận 40,7 tỷ năm 2019; 6,5 tỷ năm 2020; 10,8 tỷ năm 2021 và 30,6 tỷ năm 2022.
Theo công bố từ BCTC của Công ty, tại thời điểm cuối quý II/2023, PVC-TH ghi nhận tổng tài sản đạt 604,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 4 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 223 tỷ đồng, không biến động nhiều so với mức 226 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Các khoản mục lớn như hàng tồn kho ghi nhận 94,6 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn 94,2 tỷ đồng, giảm lần lượt 2 và 4 tỷ so với đầu năm. Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn ghi nhận mục đầu tư tài chính ngắn hạn 29,5 tỷ đồng, đây là khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng Đông Nam Á, Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng Bank.
Tương tự, tài sản dài hạn của đơn vị cũng không ghi nhận biến động lớn, trong kỳ đơn vị ghi nhận 381 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ so với đầu năm. Trong đó, các khoản mục như phải thu 107 tỷ đồng, xây dựng dở dang 226 tỷ đồng, bất động sản đầu tư dài hạn 46 tỷ đồng và gần như không ghi nhận biến động trong kỳ. Điều này cho thấy, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ liên quan các khoản mục này của đơn vị gần như rất hạn chế.
Đáng chú ý, dù là một doanh nghiệp xây lắp có truyền thống trong ngành dầu khí nhưng khoản mục tài sản cố định của đơn vị trong kỳ chỉ còn ghi nhận vỏn vẹn 397 triệu đồng, sau khi khấu hao gần hết 2,6 tỷ đồng nguyên giá.
Về phía nguồn vốn, PVC - TH ghi nhận nợ phải trả 528 tỷ đồng, giảm nhẹ 3 tỷ so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn 132 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn 395 tỷ đồng. Tương tự phần tài sản, các khoản mục tài khoản nguồn vốn của PVC -TH cũng không có nhiều biến động trong kỳ. Đáng chú ý, trong đó có khoản mục vay nợ và thuê tài chính dài hạn của công ty ghi nhận tỉ trọng lớn với hơn 395 tỷ đồng chiếm 75% tổng khoản mục nợ phải trả. Số liệu này phản ánh phần nào con số ít ỏi của khoản mục tài sản cố định, cho thấy đơn vị đang chủ yếu sử dụng các tài sản đi thuê để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Về vốn chủ sở hữu, PVC-TH ghi nhận 210 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu, tuy nhiên do làm ăn bết bát nhiều năm nay nên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế âm gần 141 tỷ đồng.
Hiện các cổ đông lớn góp vốn tại PVC Thanh Hóa gồm có Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam- PVN) nắm giữ 36%; Tổng công ty CP đầu tư XD và thương mại Anh Phát 17,5%; BĐH liên hiếp lọc hóa dầu Nghi Sơn 8,6%; Ngân hàng TMCP Đại dương 8,1%; Công ty CP chứng khoán Sài Gòn Hà Nội 15,2%.
Việt Phương