245 tỷ đồng tại Eximbank
Hồi tháng 2/2018, một vụ việc chấn động giới ngân hàng Việt Nam khi bà Chu Thị Bình (ngụ Cà Mau) là vợ của "Vua" thủy sản Minh Phú – ông Lê Văn Quang - thông báo bị lừa đảo mất 245 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank).
Theo phản ánh, từ năm 2013 đến nay, bà Bình mở hàng chục tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank TP.HCM với tổng số tiền gốc 245 tỷ đồng (tính cả lãi là hơn 300 tỷ đồng).
Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, Phó Giám đốc chi nhánh Eximbank TP.HCM – ông Lê Nguyễn Hưng đã làm giả giấy ủy quyền, rút chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng của bà Bình rồi bỏ trốn.
Sau khi vụ việc bị phát hiện, bà Bình gửi đơn tố cáo cho văn phòng cơ quan CSĐT (C44, bộ Công an) nhờ giải quyết. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang truy nã bị can Lê Nguyễn Hưng – được cho là đã trốn sang nước ngoài.
Số tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình sau đó đã gây tốn nhiều giấy mực của báo chí bởi trải qua nhiều lần thương thảo về việc tạm ứng, đền bù, với sự có mặt của luật sư, giữa bà Bình và ngân hàng vẫn chưa đạt được thỏa thuận thỏa đáng.
Nhưng cuối cùng, số tiền lớn trên đã hoàn tất công đoạn “vật hồi cố chủ” khi vào ngày 27/8/2018, ngân hàng Eximbank hoàn tất việc tạm ứng 100% số tiền tiết kiệm gốc – tương ứng 245 tỷ đồng cho bà Bình. Bà Bình sau đó xác nhận đã nhận đủ và gửi lại toàn bộ số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm tại Eximbank.
Xuất khẩu kỷ lục, "vua tôm" Minh Phú tăng mạnh chỉ tiêu kinh doanh
Cùng với việc “hung hóa cát” xảy ra với vợ là bà Chu Thị Bình, công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) của ông Lê Văn Quang cũng bắt đầu chứng kiến dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm 2018.
Minh Phú là tập đoàn thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong vòng 6-7 năm trở lại đây, doanh nghiệp có mức doanh thu tăng trưởng đều song lợi nhuận là trồi sụt thất thường, cho thấy có vấn đề trong thực lực quản trị của DN.
Còn nhớ khi đang ở đỉnh cao về doanh thu và lợi nhuận vào năm 2014, "Vua tôm" đã khiến giới đầu tư tài chính bất ngờ khi đưa ra quyết định táo bạo là rút khỏi niêm yết tại sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) mặc dù giá cổ phiếu khi đó được neo ở mức cao 122.000 đồng/CP.
Nguyên nhân được ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú đưa ra là công ty đang tìm đối tác ngoại để bán 50% cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ.
Tuy nhiên thực tế trong 2 năm sau đó chưa thấy đối tác ngoại nào nhảy vào và MPC đã phải trải qua 2 năm liền suy thoái 2015, 2016 khi doanh thu vẫn ổn định còn lãi chỉ là tượng trưng.
Phải đến đầu năm 2018 khi MPC công bố chỉ số kinh doanh quý IV/2017, tình hình mới có dấu hiệu khởi sắc. Báo cáo tài chính của Minh Phú cho thấy, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2017.
Doanh thu của Minh Phú năm 2017 đạt hơn 16.852 tỷ đồng, tăng đến 41% so với năm 2016 (đạt 11.973 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lãi ròng đạt 714 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với con số 81 tỷ đồng của năm 2016. Đến cuối kỳ, doanh nghiệp ghi nhận lãi lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng.
Ngày 9/3/2018, Minh Phú tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, trong đó thông qua một số nội dung quan trọng như hủy giao dịch UPCoM và dự kiến trong năm 2018 đăng ký niêm yết tại HOSE, dự kiến năm 2018 với doanh thu là 18,200 tỷ đồng và lãi ròng 990 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 38,6% so với thực hiện năm 2017.
Tuy nhiên cho đến nay, tình hình thực hiện đã trở nên sáng sủa hơn dự kiến. Tháng 9/2018, Minh Phú đạt sản lượng xuất khẩu 8.472 tấn, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu theo đó tăng 17% lên 90,6 triệu USD. Đây là kết quả kỷ lục từ trước đến nay của Minh Phú.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đạt 47.688 tấn, tăng 21,3% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,72% lên 532,4 triệu USD.
Với kết quả hoạt động khả quan, "Vua tôm" đã điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh cả năm. Cụ thể, tổng sản lượng tăng từ 63.000 tấn lên 68.000 tấn. Sản lượng xuất khẩu tăng thêm 50 triệu USD lên mức 850 triệu USD. Chỉ tiêu lãi trước thuế tăng từ 1.100 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng. Lãi sau thuế cả năm dự kiến là 1.150 tỷ đồng.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, MPC vừa công bố triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường. Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 10/11 tới đây sẽ thông qua huỷ bỏ một số ngành nghề kinh doanh và thông qua phương án phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên 2.157,2 tỷ đồng.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2018, MPC đã hoàn thành phát hành 68,46 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 1,54 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ chủ chốt để tăng vốn gấp đôi lên 1.400 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu MPC trên sàn Upcom chốt phiên cuối tháng 9 là 47.500 đồng/ CP, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Mới đây, vào giữa tháng 9/2018, hai “ái nữ” của ông Quang và bà Bình là Lê Thị Minh Quý và Lê Thị Minh Ngọc đã chi khoảng 400 tỷ đồng mua vào hơn 4,61 triệu cổ phiếu mỗi người. Trước đó, hai nhà đầu tư này không sở hữu cổ phiếu MPC nào.