Là một lục địa với dân số ở mức hàng tỷ người, vấn đề đang đặt ra ở đây là vấn đề về của cải “từ trên trời rơi xuống” - theo như báo cáo về sự giàu có của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2011 do các nhà nghiên cứu Capgemini và Merrill Lynch đã đưa ra hôm thứ năm vừa qua.
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn các nhà triệu phú trên toàn thế giới và họ đều đồng ý rằng thế hệ tiếp theo không thể quản lý được tài sản của gia đình. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (bao gồm cả Úc nhưng loại trừ Nhật Bản), 88% người được hỏi đều đồng ý quan điểm này.
Trong khi đó, người Nhật Bản lại ít nghi ngờ hơn về vấn đề này với con số 75% người được hỏi cho rằng con cái của họ không thể quản lý được tiền bạc.
Ở khu vực Tây Âu, nơi mà sự giàu sang vẫn còn có một sự chuyển giao thế hệ, thì câu trả lời có phần khác nhau: Tại Bawcsmyx, 69% người được hỏi cho rằng thế hệ tiếp theo của họ không thể quản lý được tiền bạc, trong khi ở châu Âu con số này chỉ là 59%.
Bản báo cáo đã chỉ rõ rằng những người giàu có này là những người có ít nhất 1 triệu đô la trong ngân sách tài chính, bao gồm cả hàng hóa tiêu dùng và bất động sản.
“Tại châu Á, điều cấm kỵ từ ngàn đời là khi nói về của cải thừa kế và kế hoạch cho kế vị”, theo David Wilson – một nhà phân tích cùng hợp tác với Capgemini thực hiện bản báo cáo này nói. Ông cho rằng các vấn đề về văn hóa thường làm mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Những người cao tuổi thường giữ kín việc quản lý kinh tế gia đình ngay cả khi họ đang sống những năm cuối đời, và đặc thù của các gia đình của châu Á là không thảo luận một cách công khai về những vấn đề này.
Ông Wilson cho rằng các cuộc tranh cãi trong gia đình đang ngày càng gia tăng một cách thường xuyên hơn khi mà thế hệ thương gia giầu có đang nhường chỗ cho thế hệ tương lai của họ.
Một trong những ví dụ công khai nhất về vấn đề này là câu chuyện về một ông chủ sòng bạc giàu có của Macau đang dần về già tên là Stanley Ho và sự tranh cãi ầm ĩ hồi đầu năm nay giữa những người con của ông và những người đàn bà khác nhau mà ông gọi là vợ đều xuất phát từ việc họ muốn chiếm được khối tài sản của ông.
Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng Hồng Kông đã chứng kiến một bước nhảy vọt về con số các nhà triệu phú trong năm 2010: Thứ bậc của các triệu phú của thành phố cảng tăng lên 33% (101. 000 người), hơn cả Singapore, đất nước có số triệu phú tăng 21% (99.000 người).
Tuy vậy, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là các quốc gia có số lượng triệu phú lớn nhất trong khu vực, với lần lượt là 1,7 triệu người và 535.000 người. Số triệu phú của Nhật Bản tăng ở mức nhẹ là 5%, trong khi Trung Quốc tăng 12%.
Mặc dù những thay đổi mang tính tiêu cực của thị trường trong năm nay đã gây tổn hại đến danh mục đầu tư của những người giầu có trong khu vực châu Á, các tác giả của bản báo cáo vẫn cho rằng số vốn của các nhà triệu phú sẽ không mấy bị ảnh hưởng như đã từng xảy ra do cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Chúng ta sẽ không được thấy doanh thu mạnh mẽ trong số những người giàu có này trong năm nay, nhưng chúng ta cũng sẽ không phải nhìn thấy sự suy sụp khốc liệt như trước đây”, ông Wilson bộc lộ.
Chí Thành