Vào ngày 6/9, Bộ trưởng bộ Tài nguyên Australia, Keith Pitt, cho biết Chính phủ nước này sẽ tiếp tục sản xuất và xuất khẩu than đá sau năm 2030. Tuyên bố đưa ra bất chấp lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Nó cũng khiến nước này đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt từ một số quốc gia đang nỗ lực loại bỏ than đá vào cuối thập kỷ này.
Cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch
Australia đã cam kết giảm 26-28% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mốc năm 2005. Tuy nhiên, cam kết này thấp hơn rất nhiều so với cam kết của Hoa Kỳ, Anh, liên minh châu Âu, cùng các quốc gia phát triển khác. Vào tháng 4, tổng thống Joe Biden cam kết giảm lượng khí thải Mỹ từ 50-52% trong cùng một khung thời gian.
Theo các nhà khoa học, những nền kinh tế chủ chốt phải cắt giảm ô nhiễm carbon tới 45% trong thập kỷ này để ngăn chặn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên 1,5 ° C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu vượt quá ngưỡng tăng đó, đồng nghĩa với các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ thường xuyên và khốc liệt hơn, bao gồm hạn hán, nắng nóng, cháy rừng, mưa lớn, lũ lụt...
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Selwin Hart cho biết hôm 6/9: "Nếu không nhanh chóng loại bỏ than, biến đổi khí hậu sẽ tàn phá nền kinh tế Australia, từ nông nghiệp đến du lịch và ngay trong lĩnh vực dịch vụ. Tương tự, xây dựng, nhà ở và lĩnh vực bất động sản cũng sẽ thiệt hại nặng nề ở một quốc gia gần bờ biển như Australia".
Đặc phái viên nói thêm rằng doanh nghiệp và nhà đầu tư ngày càng có xu hướng từ bỏ than đá để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Trên thực tế, các giải pháp thay thế than đá, như hydro xanh, đang dần dần phổ biến với giá rẻ. Tuy nhiên, than vẫn được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới cho ngành công nghiệp nặng, như luyện thép, nơi mà năng lượng từ các nguồn như gió và mặt trời không thể đáp ứng được yêu cầu.
Tại sao Australia “theo đuổi” than đá bất chấp những cảnh báo?
Lý giải về quyết định này, Bộ trưởng bộ Tài nguyên Australia cho biết trong một bản tuyên bố ngày 6/9: "Tương lai của ngành công nghiệp than đá là do Chính phủ Australia quyết định, chứ không phải một cơ quan nước ngoài nào có thể can thiệp. Đóng cửa ngành công nghiệp này sẽ gây thiệt hại hàng tỷ đô la xuất khẩu và mất hàng nghìn việc làm.” Bộ trưởng liệt kê lợi ích ngành công nghiệp than đá mang lại cho nền kinh tế Australia và không hề đề cập đến cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tuyên bố của Pitt nói thêm rằng các số liệu cho thấy "mối nguy do than đá đã bị phóng đại rất nhiều và tương lai ngành công nghiệp than đá vẫn sẽ được đảm bảo sau năm 2030".
"Tiêu thụ than trên toàn châu Á được cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sẽ tăng trong thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu năng lượng của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Australia đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đó. Than sẽ tiếp tục tạo ra hàng tỷ đô la tiền thuê mỏ và thuế, đồng thời trực tiếp tạo ra 50000 việc làm."
Từ nhiều năm nay, Australia là cái tên được xướng lên nhiều nhất trong top các quốc gia đứng đầu về trữ lượng than xuất khẩu trên thế giới. Tiếp theo đó là các nước như Trung Quốc, Nam Phi, Hoa Kỳ, Canada, Ba lan, Nga... Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, lượng khí thải carbon bình quân đầu người tại Australia là 17 tấn, trong khi mức trung bình toàn cầu là dưới 5 tấn. Theo Cơ sở dữ liệu mỏ toàn cầu của Fitch Solutions, trong số 176 dự án than mới trên thế giới thì 79 dự án là ở Australia. Có thể thấy rằng, than đá từ lâu đã trở thành trụ cột của nền kinh tế nước này.
Phạm Thu Thanh (theo CNN)