“Khai Phong có Bao Thanh Thiên, thiết diện vô tư phán trung gian” là câu nói để miêu tả về nhân vật nổi tiếng về sự liêm khiết, ngay thẳng có tên Bao Thanh Thiên.
Bao Thanh Thiên hay còn được biết đến là Bao Chửng (990 – 1062), người gốc Lư Châu, làm quan dưới thời vua Tống Nhân Tông. Trong suốt quá trình làm quan, phục vụ nhân dân, ông luôn tỏ ra là một người ngay thẳng, trung thành, và liêm khiết, không ham hư vinh phú quý.
Tống Nhân Tông là một vị vua anh minh, nhân từ, tiếng tốt được lưu truyền suốt bao đời, ắt nỗi, ông lại không có con trai để truyền ngôi. Đây không phải nguyên nhân vì sức khỏe bởi trước đây ông đã từng có 3 cậu con trai nhưng không may đều đã qua đời từ khi còn rất nhỏ. Vị hoàng tử sống lâu nhất cũng chỉ đến 3 tuổi mà thôi. Chạy nhảy xung quanh vua Tống Nhân Tông lúc nào cũng là những nàng công chúa mà thôi.
Vào thời điểm lúc bấy giờ, vua không có con trai nối dõi quả thực là mối nguy của quốc gia. Vua Tống Nhân Tông vô cùng đăm chiêu, không lúc nào không mong mỏi nhận được tin vui hậu cung mang thai hoàng tử. Ông thường xuyên lập đàn cầu nguyện, đi chùa xin con không kể ngày hay đêm. Cuối cùng, thực sự một hoàng tử đã xuất hiện. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
Vào năm 1050 (năm Hoằng Hữu thứ hai), đường phố ở Khai Phong đều vô cùng đông đúc, người buôn kẻ bán tấp nập tưởng chừng như không bao giờ ngớt. Nếu có thể so sánh, khung cảnh năm ấy không khác bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” là bao.
Lúc này, trên con đường lớn của Khai Phong, không biết từ đâu xuất hiện 2 vị hòa thượng thu hút sự chú ý của người dân xung quanh. Một vị hòa thượng lớn tuổi hơn tên là Toàn Đại Đạo và người còn lại danh xưng Lãnh Thanh.
Hai người cứ đi một đoạn rồi dừng lại và lớn tiếng công bố với những người dân xung quanh rằng Lãnh Thanh là con trai duy nhất của hoàng đế, năm xưa 2 cha con từng thất lạc nhau. Nay Lãnh Thanh đã trưởng thành nên muốn quay về kinh thành đoàn tụ với cha, đảm nhận chức vụ Hoàng thái tử.
Không lâu sau, lời đồn đã lan truyền đến tai của quan phủ. Ngay lập tức, quan phủ phái người đi tìm và tạm giữ 2 vị hòa thượng lại để xét hỏi. Trên công đường, khi bị quan viên tra hỏi là người từ đâu đến, gốc gác ra sao thì Lãnh Thanh liền lập tức nghiêm giọng nói lớn: “Người dám chất vấn Hoàng thái tử là ta đây hay sao? Gan ngươi cũng lớn đấy”.
Quan viên bị khí chất của Lãnh Thanh áp đảo, nhất thời không biết phải làm sao, phải mất một vài phút mới có thể lấy lại bình tĩnh. Ông tự nhủ, Hoàng đế không có con trai, đây là chuyện ai ai cũng biết nên không có lý do gì để hoảng sợ hết rồi lên tiếng chất vấn: “Dựa vào đâu mà ngươi có thể khẳng định được mình là Hoàng thái tử?”
Lãnh Thanh bình tĩnh kể lại chuyện mẹ mình là một cung nữ hầu hạ bên cạnh vua. May mắn thay, bà đã lọt vào mắt xanh của vua, nhận được sủng hạnh và mang long thai. Tuy nhiên, không bao lâu sau, hậu cung xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, mẹ của hắn đã phải chạy khỏi cung, tự mình tìm một chỗ an toàn để hạ sinh con trai. Sau khi Lãnh Thanh trưởng thành, người mẹ đã nói toàn bộ sự thật cho hắn biết để đoàn tụ với vua cha.
“Vậy ngươi có chứng cứ gì?”, quan phủ hỏi.
Lãnh Thanh từ từ lấy ra một chiếc túi nhỏ thêu hình long phượng và nói rằng đây là món quà kỷ niệm sau khi người mẹ được vua ân sủng.
Quan viên nhìn qua một lượt, ông ngạc nhiên khi nhận ra loại vải cùng đường kim mũi chỉ giống hệt trong cung, tuy nhiên cũng không dám nói bừa mà tra hỏi tiếp: “Chỉ với những bằng chứng này không đủ để nói lên người là Hoàng thái tử.”
Mặc dù vậy nhưng trong lòng vẫn nơm nớp lo sợ nên viên quan đã tạm giữ họ lại phủ, đồng thời cho người đi bẩm báo câu chuyện với vua Tống Nhân Tông.
Về phía vua Tống Nhân Tông, sau khi nghe được câu chuyện đã ngạc nhiên đến nỗi ngã từ ngai vàng xuống đất. Rõ ràng chuyện Hoàng thái tử là điều mà ông mong ước hàng đêm, nay bỗng nhiên một người con trai từ đâu xuất hiện nhận cha sao có thể không ngạc nhiên cơ chứ?
Tống Nhân Tông ban đầu vô cùng mừng rỡ mà truyền ý chỉ đưa ngay Lãnh Thanh và Toàn Đại Đạo vào cung gặp mặt. Tuy nhiên đại thần xung quanh tỏ ý nghi ngờ, khuyên can nhà vua chớ nên mừng rỡ vội mà phải điều tra rõ ràng bởi lẽ chuyện này liên quan đến cả giang sơn xã tắc Đại Tống.
Sau khi bình tĩnh lại và suy nghĩ thấu đáo, vua Tống Nhân Tông cũng cảm thấy những điểm đáng ngờ, ông đã ra lệnh cho viên quan tiếp tục tìm kiếm thông tin nhưng không thành công. Không ai có thể chứng minh được Lãnh Thanh không phải là con trai của vua Tống Nhân Tông nhưng cũng không có ai chỉ ra được hắn ta là kẻ giả mạo.
Cuối cùng, viên quan phải bẩm báo lại vừa nhà vua khi cảm thấy vụ án ngoài khả năng xử lý.
Vua Tống Nhân Tông đành chọn một viên quan khác để giao nhiệm vụ. Trong buổi thiết triều, vua Tống Nhân Tông đưa mắt nhìn một lượt hàng trăm quan viên rồi dừng lại ở Bao Chửng, người phá án như thần, chưa từng đầu hàng trước tình huống nào. Nghĩ là làm, vua Tống Nhân Tông quyết định giao vụ án cho Bao Thanh Thiên.
Sau khi tiếp nhận vụ án, Bao Thanh Thiên đã cho người về quê của Lãnh Thanh để điều tra thông tin từ những người hàng xóm. Không lâu sau, tin tức đưa về đã mở ra sự thật của câu chuyện. Theo đó, mẹ của Lãnh Thanh quả thực là một cung nữ và có con với vua Tống Nhân Tông. Tuy nhiên, người con sinh ra lại là nữ. Còn Lãnh Thanh là con trai thứ của người cung nữ sau khi tái giá với người khác.
Điều này đồng nghĩa với việc, Lãnh Thanh là hoàng tử giả mạo, và tên Toàn Đại Đạo là kẻ giả danh hoàng thượng đi lừa gạt thiên hạ. Hắn ta đã nhìn ra thân phận đặc biệt của Lãnh Thanh nên đã quyết định lập kế hoạch để đổi đời. Sau khi huấn luyện thành công Lãnh Thanh với niềm tin không thể nào bị lộ tẩy, cả 2 đã quyết định đến Khai Phong để tuyên truyền lời đồn. Đáng tiếc thay, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Lãnh Thanh và Toàn Đại Đạo lại gặp phải Bao Thanh Thiên.
Cuối cùng, cả Lãnh Thanh và Toàn Đại Đạo đều bị Bao Thanh Thiên phán quyết trảm đầu công khai, răn đe thị chúng.
Vua Tống Nhân Tông vô cùng hài lòng với cách giải quyết này, đồng thời cũng bày tỏ sự cảm kích với Bao Chửng vì đã giúp ông bảo vệ được giang sơn xã tắc. Sau này, vua Tống Nhân Tông đã nhận một đứa trẻ trong dòng dõi hoàng tộc làm con nuôi và phong làm Hoàng thái tử, chính là Tống Anh Tông sau này.
Han (theo Sohu)