Tại sao chúng ta lại cứ chọn lấy nỗi cô đơn?

Tại sao chúng ta lại cứ chọn lấy nỗi cô đơn?

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 6, 01/12/2017 06:08

Tôi là một phụ nữ đã lập gia đình và hai người bố: Bố đẻ- bố chồng tôi đều còn sống. Những lúc rảnh, tôi hay ngồi nhìn lại và ngẫm nghĩ về cuộc đời của họ.

Bố đẻ tôi nghèo. Rất nghèo. Cuộc đời ông là sự xâu chuỗi những khoản nợ. Nợ tiền, nợ tình, nợ ân nghĩa... Thuở còn nhỏ, tôi luôn cảm nhận được khí thế sục sôi trong công cuộc làm giàu của bố. Ông vay nợ khắp mọi nơi để đầu tư làm ăn. Nhưng, có 1 đặc điểm là bố tôi chẳng bao giờ thực sự kiên định đi theo một con đường.

Tính ông vốn nông nổi, nóng nảy và ham vui. Ông theo nghề gì thì cũng nhanh chóng bỏ ngang để chạy theo một nghề khác mà theo ông nghĩ sẽ thích hợp hơn, dễ kiếm tiền hơn. Cứ như thế, những khoản nợ cứ dày lên rồi chất cao như núi. Ông bỏ vợ, bỏ con Nam tiến lập nghiệp vì nghe nói làm ăn ở trong ấy dễ hơn ngoài Bắc.

Sau gần hai chục năm ròng bôn ba đủ thứ nghề, ông lại trở về với đúng cái nghề ban đầu - thịt chó. Và ông đã từng nói với tôi y chang thế này "Không làm cái nghề này thì làm cái gì được bây giờ hả con? Tuổi bố bây giờ đâu có nhiều sự lựa chọn?".

Giờ, khi đã ngoài 50 tuổi, ông vẫn chẳng có gì trong tay ngoài những khoản nợ và đương nhiên, quãng thời gian của tuổi thơ tôi thì hình ảnh của bố vẫn là thứ gì đó mờ nhạt.

Tôi không gặp ông cả chục năm trời. Và kể cả hiện tại, ông đã về lại quê hương, tôi cũng chẳng còn mấy khi gặp ông. Vài năm một lần, đều chỉ là để giải quyết chuyện liên quan đến mối quan hệ đã cũ của bố mẹ. Về cơ bản, đối với tôi mà nói, ông gần như không tồn tại. Dù tôi vẫn gọi ông là bố và ông vẫn nói rằng tôi là đứa con gái mà ông thương nhất. Tôi vốn không thích những lời nói sáo rỗng. Nó nhạt nhòa như nước mưa vậy.

Gia đình - Tại sao chúng ta lại cứ chọn lấy nỗi cô đơn?

Luôn luôn có một thứ tự ưu tiên dành cho gia đình. (Ảnh minh họa).

Còn bố chồng tôi, ông là một người vừa có tiền, vừa có uy. Xung quanh ông có cả hàng trăm con người muốn gặp gỡ, trao đổi, gây dựng mối quan hệ. Nhưng, thật lạ khi tôi lại luôn cảm thấy ông cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình. Mọi người trong gia đình thường tránh tiếp xúc, nói chuyện với ông. Thường lảng khỏi phòng khách khi thấy ông ngồi đó. Thời đầu về làm dâu, tôi thấy lạ lắm, nhưng sau quen dần và tôi cũng hiểu tại sao trong mối quan hệ giữa bố chồng và những thành viên còn lại trong nhà chồng có sự xa cách và khách sáo đến như vậy. 

Khi còn trẻ, bố chồng tôi làm việc trong lĩnh vực xây dựng, mà đặc thù của ngành xây dựng là đi theo những công trình. Ăn tại công trình, ngủ tại công trình, nằm mơ cũng chỉ biết đến công việc. Ông phó thác toàn bộ việc chăm nom con cái và quản lý nhà cửa cho vợ mình. Một tuần, ông về thăm nhà một lần, có khi cả tháng không về, hoặc về lại đi ngay.

Nhắc đến ông là nhắc đến những điều lệnh, sự nghiêm khắc, những yêu cầu khắt khe và kỷ luật thép. Ngay từ bé, mẹ chồng tôi đã hay mang cái uy của ông ra để dọa các con như người ta vẫn hay dọa bọn trẻ con về một nỗi sợ hãi mang tên “ông ba bị”.

Tôi đã từng có một tuổi thơ rất cô đơn và khốn khó. Vẫn nghĩ rằng chồng mình dẫu sao đã có một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc biết bao nhiêu. Nhưng, tôi đã nhầm, tôi nhìn thấy thẳm sâu trong anh ấy là một nỗi cô đơn. Suốt một thời tuổi trẻ, anh chỉ đóng cửa ở một mình trong phòng mà không muốn bị ai làm phiền. Các cuộc nói chuyện với bố hầu như kết thúc bằng những cái lắc đầu và thở dài ngao ngán! Họ không hiểu nhau.

Đã có lần tôi hỏi chồng mình rằng: “Anh và bố sẽ cứ như thế này đến lúc bố nhắm mắt xuôi tay à?”. Anh chẳng nói gì. Tôi biết, anh rất thương yêu và kính trọng bố mình. Nhưng, khoảng cách và thời gian đã đào lên giữa họ một cái hố sâu, khiến họ trò chuyện với nhau một cách khách sáo, cứng nhắc.

Qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi gắm đến các bạn rằng, cái khó nhất của mỗi người không phải là làm thật tốt một việc mà làm thế nào để cân bằng nhiều việc. Và luôn luôn có một thứ tự ưu tiên dành cho gia đình. Bởi ai cũng vậy, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, điều khiến người ta vương vấn nhất không phải là tiền bạc mà là tình cảm, thứ khiến người ta day dứt nhất vẫn là những gì liên quan đến con cái.

Người xưa có câu, cả đời người đàn ông có ba việc quan trọng “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, xong ba việc ấy mới là đàn ông”. Ngày nay, nếu muốn có một cuộc sống như ý, chúng ta nên đổi thứ tự một chút, để “cưới vợ” xuống cuối cùng.

Lần lượt thực hiện từng bước một, thành công sẽ đến nhanh hơn và vững vàng hơn. Cuộc sống gia đình cũng vì thế mà không bị đặt trước quá nhiều nguy cơ đổ vỡ. Những đứa con sẽ nhận được sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn từ cha mẹ thay vì ngày ngày đến trường và tối về cắm mặt vào ipad, điện thoại! Khi hoàn toàn có thể lựa chọn niềm hạnh phúc, tại sao chúng ta lại cứ chọn lấy nỗi cô đơn?

Lê Thanh Ngân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.