Theo truyền thuyết, ban ngày thì cương thi nằm trong quan tài hoặc ẩn nấp tại những nơi tối tăm như hang động vì các cương thi loại vô ý thức không chịu nổi ánh nắng mặt trời, trừ khi đó là cương thi có ý thức hoặc cương thi quỷ. Cương thi thường xuất hiện vào lúc trời tối, khuya hay đêm trăng tròn, đi lại lang thang với hai cánh tay duỗi thẳng về phía trước vì khi đó âm thịnh dương suy và ánh trăng sẽ giúp cương thi trở nên mạnh hơn nữa. Nó giết chết mọi sinh vật sống để hấp thụ khí (cái cốt lõi tạo nên sự sống).
Những câu chuyện bí ẩn về cương thi được ghi chép lại nhiều nhất là vào triều đại nhà Thanh. Trong hai quyển sách Tử bất ngữ và Bút ký nghiệp vi thảo đường có nói rất nhiều về cương thi. Tương truyền cương thi còn được gọi là Di linh (linh hồn di động), có nguồn gốc ở Tương Tây, Trung Quốc. Những người đi làm ăn xa mong muốn sau khi chết sẽ được đưa về quê quán để chôn cất. Chính vì vậy xuất hiện những pháp sư yểm bùa biến xác chết thành cương thi để đưa về quê an táng khi thi thể chưa thối rữa.
Trong truyện và phim ảnh, các pháp sư thường dẫn nhiều cương thi một lúc, dùng chạc để trói, dán lá bùa màu vàng lên trán của chúng, vừa đi vừa đánh chuông, đi vào ban đêm. Vì cương thi sợ ánh sáng mặt trời nên khi trời sáng pháp sư sẽ tìm nơi nghỉ ngơi, đến ban đêm lại tiếp tục đi.
Bởi câu chuyện về cương thi được nhắc nhiều ở đời nhà Thanh nên các nhà làm phim thường dùng trang phục của triều đại này cho các bộ phim về đề tài cương thi. Ngoài ra, theo các nhà làm phim quan phục triều Thanh thường có hình dáng thẳng và rộng, màu xanh đen sẫm, cộng thêm chiếc nón trên đầu. Ngay cả khi cương thi nhảy múa thì quần áo vẫn cứng đờ, chính vì thế rất thích hợp để quay phim.
Không chỉ vậy, trang phục biểu diễn thời nhà Thanh rất đa dạng phong phú, giá thành lại rẻ. Những bộ phim chủ đề cương thi thường có ít kinh phí, để có lãi, các nhà chế tác đều cho cương thi mặc trang phục triều Thanh.
Những bộ phim nổi tiếng như Cương thi tiên sinh, Cương thi diệt ma, Cương thi vật cương thi… đều sử dụng hình tượng cương thi trong quan phục nhà Thanh.
Còn tiếp…
Quốc Tiệp (t/h)