Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam) đã thông tin về vấn đề này vào chiều 15/1.
Thanh Niên đưa tin, ngày 17/1, thời tiết xấu, nhiều mây nên cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã phát đi thông báo về việc thay đổi thời gian phóng vệ tinh MicroDragon của Việt Nam và 6 vệ tinh khác của Nhật Bản.
Thời gian phóng vệ tinh vẫn giữ nguyên là 7h50 (giờ Hà Nội) nhưng lùi lại vào ngày hôm sau (18/1). Theo đó, kế hoạch trình diễn và ra mắt sơ bộ sự kiện phóng vệ tinh chuyển sang ngày 19/1.
Hiện vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản đã được lắp đặt vào tên lửa Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản). Các hoạt động thử nghiệm, kiểm tra đã được chuyên gia rà soát, sẵn sàng cho kế hoạch bay vào quỹ đạo của vệ tinh. Trạm mặt đất tại Nhật Bản cũng được thiết lập, sẵn sàng cho việc vận hành, phân tích dữ liệu từ vệ tinh.
Thông tin trên Tiền Phong, vệ tinh MicroDragon được nghiên cứu thiết kế từ năm 2013, hoàn thành lắp ráp chế tạo, thử nghiệm vào tháng 9/2017. Việc thiết kế, chế tạo MicroDragon ban đầu phục vụ mục đích đào tạo 36 thạc sỹ Việt Nam theo học chuyên ngành hàng không vũ trụ tại 5 trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản. Tuy nhiên, hoàn thành xong, vượt qua được quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt, Micro Dragon được JAXA phóng miễn phí vào vũ trụ.
MicroDragon có khối lượng khoảng 50kg, kích thước 50 x 50 x 50cm, sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh chụp ảnh ở 12 dải phổ. Ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78m, kích thước 36x48km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511km.
Nhiệm vụ của MicroDragon sau khi phóng lên vũ trụ là quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất. Thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen, Antimony Tin Oxide Coating Solar cell).
Theo VNSC, ảnh vệ tinh MicroDragon sẽ là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh của MicroDragon cũng có thể dùng phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ.
Được biết trước đó, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (có kích thước 10 x 10 x 11,35cm, khối lượng 1kg). Vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo vào tháng 11/2013 và hoạt động thành công trên vũ trụ.
Sau MicroDragon, vệ tinh NanoDragon với nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy đang được nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam do đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC thực hiện.
Mộc Miên (Tổng hợp)