Tại sao nguồn thu ngân sách Tp.Đà Nẵng giảm?

Tại sao nguồn thu ngân sách Tp.Đà Nẵng giảm?

Nguyễn Duy Cường

Nguyễn Duy Cường

Thứ 5, 04/01/2024 19:35

Kinh tế Tp.Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng trưởng kinh tế năm 2023 thiếu ổn định qua các quý.

Tổng thu ngân sách 19.715 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ

Ngày 4/1, theo Cục Thống kê Tp.Đà Nẵng, hoạt động thu chi ngân sách trên địa bàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và các chính sách mới được ban hành trong năm đã tác động làm giảm nguồn thu trong năm 2023.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/12/2023 đạt 19.715 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 5.150 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 14.565 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô - Tại sao nguồn thu ngân sách Tp.Đà Nẵng giảm?

Một góc chợ Hàn. 

Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu 87,4%, và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cũng như giải quyết các gói hỗ trợ sau đại dịch đã tác động trực tiếp đến nguồn thu này, hầu hết các khoản mục thu đều giảm sâu.

Trong bối cảnh hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, nguồn thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu giảm đáng kể so với năm 2022.

Tổng thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tính đến 20/12/2023 đạt 2.142 tỷ đồng, giảm 49,8% tương tương giảm 2.127 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Về chi ngân sách nhà nước, trong năm 2023, thành phố đã sử dụng linh hoạt các nguồn ngân sách địa phương, đồng thời kịp thời điều chỉnh dự toán ngân sách đối với các nhiệm vụ không triển khai được cho các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/12/2023 đạt 25.035 tỷ đồng, tăng 1%; hoạt động chi thường xuyên đạt 16.408 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình kinh tế thế nào?

Kinh tế Tp.Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng trưởng kinh tế năm 2023 thiếu ổn định qua các quý, một số lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, đặc biệt là các mước đối tác.

Diễn biến tăng trưởng qua các quý không đồng đều và phụ thuộc phần lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với năm 2022, trong đó, quý I tăng 7,49%; quý II giảm 0,60%, quý III tăng 1,22% và quý IV ước tăng 2,82%. Mức tăng chung cả năm 2023 thấp hơn mức tăng bình quân 5,51% năm của giai đoạn 2021-2023.

Kinh tế vĩ mô - Tại sao nguồn thu ngân sách Tp.Đà Nẵng giảm? (Hình 2).

Kinh tế Tp.Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng trưởng kinh tế năm 2023 thiếu ổn định qua các quý.

Trong mức tăng 2,58% toàn nền kinh tế năm 2023, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng 4,10%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung; khu vực lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 0,02 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,18%, đóng góp 0,11 điểm; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,05%, làm giảm 0,4 điểm, trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng nhẹ 0,33% và lĩnh vực xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm 8,36% so với năm 2022.

Quy mô nền kinh tế Thành phố này năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, phần mở rộng tập trung ở VA khu vực dịch vụ với 8.923 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng 127 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp 116 tỷ đồng (trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 413 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 529 tỷ đồng). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 794 tỷ đồng so với năm 2022.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,50%; khu vực dịch vụ chiếm 70,34%; thuế sản phẩm chiếm 9,21% trong tổng GRDP.

Nhìn chung, nhờ sự phục hồi và tăng trưởng vượt trội của khu vực dịch vụ nên cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự dịch chuyển với xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ thêm 1,67 điểm phần trăm về cơ cấu so với năm 2022. Ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,54 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,05 điểm.

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương; thứ 4/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xếp vị trí 13/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét về quy mô GRDP, Tp.Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vị trí thứ 3/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; thứ 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 17/63 địa phương trên cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 107,8 triệu đồng mỗi người, tương đương 4.435 USD mỗi người, tăng 3,4% so với năm 2022. Xét trong cả giai đoạn 5 năm, từ 2019 đến 2023, bình quân mỗi năm GRDP tính trên đầu người của Tp.Đà Nẵng tăng 2,42%.

Năng suất lao động chung toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 212,1 triệu đồng mỗi người, tăng 1,6% so với năm 2022 sau khi loại trừ yếu tố tăng giá. Xét trong cả giai đoạn 5 năm, 2019 đến 2023, bình quân mỗi năm năng suất lao động của Tp.Đà Nẵng tăng 1,02%.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.