Nước mía dễ uống
Điều không thể phủ nhận được là nước mía dễ uống. Nó dễ uống bởi trong nước mía có một lượng đường nhất định. Trong thân cây mía, nếu ta ép lấy nước mía, cân đong lên thì trong thân mía có khoảng 8 - 18% là đường, tính trung bình là 15% đường trong đó. Tức là nếu bạn lấy 100g dóng mía róc vỏ để ăn được, sau đó ép ra lấy nước, bạn sẽ thu được khoảng 15g đường. Lượng đường có thể ít hơn hoặc nhiều hơn 15g tùy thuộc vào từng loại mía, nhưng với 2 loại mía thông thường phổ dụng thì bạn sẽ thu được từ 15 - 18g đường vì chúng là những giống mía ngọt.
Lưỡi ngọt thì thích, ngọt tạo ra xung động thần kinh dễ chịu từ đầu lưỡi, cơ thể của con người vốn hảo ngọt nên nước mía đương nhiên là dễ uống. Trong quá trình chế biến nước mía đá, người ta còn cho thêm chút chanh quất vào trong đó. Độ chua nhẹ của quất cộng với độ ngọt dịu của mía đã làm cho nước mía ngọt thanh, uống khá dễ chịu.
Nhờ vào đặc tính này của nước mía mà người ta rất thích uống nước mía.
Nước mía giải bia rượu
Về mặt này, cánh mày râu xem ra hả hê. Bởi nó như là phương thức giúp cánh mày râu thỏa cơn khát bia mà vẫn không lo ngộ độc. Sự tình được biện giải như sau:
Cánh mày râu vốn có thói quen rủ nhau xà vào các quán bia mỗi khi chiều đến. Nhẹ nhàng thì ngồi bia hơi, khá hơn thì gọi bia chai, sang hơn thì ngồi trong nhà hàng. Họ quan niệm uống bia lạnh, ực một ngụm to sẽ đã khát tuyệt đỉnh. Và họ thấy sảng khoái thật.
Sự thực, độ sảng khoái đó đến từ 2 tác dụng: Bia được bảo quản lạnh, uống lạnh là đã sướng; bia có nồng độ cồn nhẹ, làm nâng thần kinh, tăng sự hưng phấn, làm tạm thời quên đi cái nóng như thiêu của mùa hè. Cho nên, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ bắc vào nam, đâu đâu cũng thấy mấy anh đàn ông con trai thích uống bia vào chiều hè. Và các quán nhậu thì đông không đếm xuể.
Do sự lạm dụng bia rượu, người ta khuyên nên uống nước mía mùa hè vì nước mía có tác dụng giải bia rượu.
Nước mía ngọt, vì ngọt nên đi vào gan rất nhanh. Nước mía ngọt, vì ngọt nên hóa giải rượu rất tốt. Gan là cơ quan chuyển hóa bia rượu, là nơi sử dụng đường để biến đổi lượng bia rượu uống vào nên nước mía vô hình trung đã thúc đẩy quá trình giải bia rượu rất nhanh.
Nước mía lại có tác dụng chống nôn nên sẽ làm giảm nhẹ triệu chứng của nhiễm độc bia rượu. Trong nước mía có một ít thiamin, tức là vitamin B1. Chất này là chất xúc tác làm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa trong gan.
Lợi dụng đặc tính này, người ta thường khuyên uống nước mía trước khi uống bia rượu hoặc có thể uống sau đó khi cảm thấy hơi chếnh choáng. Các anh con trai mày râu cũng đã rất tỉnh trong vấn đề này, dù có khi hơi ngà say nhưng vẫn đủ “tỉnh đòn” biết lấy một ít nước mía uống sau khi lỡ uống quá cốc.
Nhưng chỉ có ba lưu ý:
1. Uống từng ngụm nhỏ; 2. Chỉ uống khi dừng ở mức chếnh choáng, say hơn không sử dụng được; 3. Nước mía không vô song nên đừng lấy tư tưởng dựa dẫm để uống bia vô tội vạ.
Để thu được tác dụng này, bạn ép lấy 1 lít - 1,5 lít nước mía cốt, cho vào đó 2 quả quất nhỏ, 4 lát gừng bé, ép lẫn. Sau đó nhấp dần từng ngụm. Làm thế nào uống được hết chỗ nước mía đó trong 2 giờ. Bạn sẽ bớt nôn do bia rượu và chừng khoảng 1 giờ sau, bạn sẽ cảm thấy tỉnh rượu hơn. Nếu bạn uống dưới liều 1 lít nước mía, tác dụng sẽ không thu được. Liều hiệu dụng là 25mg nước mía cho 1kg thể trọng.
Nước mía chống táo bón ngày hè
Táo bón như một rối loạn đặc trưng của mùa hè. Trong mùa hè, tỉ lệ người bị táo bón tăng cao hơn so với thông thường, tất nhiên, ta phải loại trừ những người bị ngộ độc thực phẩm. Tại sao lại có hiện tượng này?
Đó là vì mùa hè làm mất nước qua đường mồ hôi. Mất nước nên cơ thể hấp thu nước rất mạnh từ mọi nguồn, trong đó có ruột. Phân bị hấp thu nhiều nước nên đã cứng và rất rắn. Mùa hè nóng nực làm ức chế thần kinh, hoạt động của hệ thần kinh giao cảm bị giảm xuống, nhu động ruột cũng giảm theo, khiến cho sự ngừng trệ phân tăng lên. Vì vậy phân đã cứng lại càng cứng hơn. Mùa hè nóng làm tăng sự tích tụ, ngưng kết, phân sẽ có điều kiện tích lại và đóng kết lại khiến cho táo bón gia tăng.
Nước mía đối nghịch với vấn đề này. Nước mía làm hết táo.
Nó thực hiện được bằng các cơ chế sau: Nóng làm tích kết, nước mía làm thanh nhiệt, hết nóng, phá tích tụ; mất nước làm hấp thu nước từ phân, nước mía tái cung cấp nước làm mềm phân; nắng hè làm ức chế nhu động ruột, nước mía làm kích thích nhu động ruột nhờ vào các hoạt chất policosanol có ở trong nước mía; nhuận tràng kém thì phân tích cứng, nước mía làm nhuận tràng hết cứng phân.
Do đó, không có gì khó hiểu khi người ta lại khuyên bạn nên uống nước mía mùa hè. Uống để hết táo bón do nóng hỏa gây ra.
Uống như nào để thu được tác dụng này? Bạn lấy 50ml nước mía, lại lấy tiếp 50ml mật ong. Hai thứ này đem trộn vào nhau, có thể cho thêm đá, cứ thế uống ngày 2 lần kéo dài từ 3 - 5 ngày liền. Nhớ là uống lúc đói. Vài ngày sau, bạn thấy đi dễ như không có chuyện gì xảy ra.
Lưu ý: Rõ ràng là nước mía có lợi khi sử dụng trong ngày hè. Đặc biệt khi nước mía được cộng thêm với đá lạnh. Nhưng để đảm bảo thu được lợi mà không nhiễm thêm hại, bạn phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến. Mía không được ngâm tẩm chất độc, vỏ phải được cạo sạch, ép ngay khi róc ra, nếu không ép ngay thì phải được che chắn cẩn thận khỏi côn trùng ruồi muỗi. Máy ép nước mía phải được vệ sinh. Nhất là đá lạnh. Đá lạnh thường xuyên bị nhiễm chất độc, chất bẩn, vi khuẩn và mầm bệnh kèm theo. Bạn phải đảm bảo đá sử dụng là đá sạch. Nếu không tin tưởng thì bạn nên mua nước cốt mía và mang về tự chế đá trong tủ lạnh gia đình. Có như vậy, nước mía sẽ lợi hoàn toàn. Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí quan trọng nhất trong ngày hè. Nếu không, lợi chưa thấy mà hại thì đã kéo đến trước. |
Theo SKĐS