Thật ngớ ngẩn khi cần một nữ Đại sứ du lịch xinh đẹp
Theo lời nhận xét chuyên môn của ông Nguyễn Xuân Thắng, Hoa hậu tràn ngập, các cuộc thi, trò chơi trực tuyến nhập ngoại phát sóng triền miên, khắp nơi người ta nô nức tranh giành kỷ lục... đó không phải là sự đi lên mà là tụt hậu của đời sống văn hoá, càng làm nghèo nàn đi các giá trị căn bản của văn hoá.
"Tôi xin lưu ý là các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở các nước đều không được gọi là các hoạt động văn hoá. Thế giới người ta coi đây chỉ là các hoạt động thương mại hoặc phục vụ cho các mục đích thương mại. Rất khác với nước ta, ở hầu hết các quốc gia văn minh các vị lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ ngành đều tuyệt đối tránh hiện xuất chính thức tại các sinh hoạt mang tính thương mại và giải trí này", ông cho biết.
Họ càng ít khi khoác lên vai các người đẹp gánh nặng mang các giá trị quốc gia hay dân tộc, dù các người đẹp mặc phục trang dân tộc đẹp đến bao nhiêu... thì xét về mọi nhẽ bản thân các người đẹp đó đều không đủ tầm để gánh vác các giá trị mang ý nghĩa chính trị mà quốc gia kỳ vọng.
Những ứng cử viên cho vị trí Đại sứ du lịch năm nay
Đối với cuộc bình chọn Đại sứ du lịch, đó chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi đó, ngoài việc gây ồn ào náo nhiệt, tốn công, tốn giấy bút, tốn của, lãng phí thời gian của nhân dân chưa chắc sẽ mang lợi ích thiết thực cho ngành du lịch. Thật ngớ ngẩn nếu ai đó ảo tưởng rằng có được một nữ Đại sứ du lịch xinh đẹp thì sẽ cải thiện được ngành du lịch Việt Nam.
Có một, chứ có đến một nghìn Đại sứ du lịch đẹp như tiên, có đến hàng trăm địa danh mang nhãn hiệu kỳ quan và kỷ lục... mà chất lượng dịch vụ du lịch vẫn cứ ì cạch, lạc hậu, hệ thống giá cả thì thiếu sức cạnh tranh như hiện nay thì du lịch Việt Nam sẽ khó mà trở mình khởi sắc được.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Thành quả của ngành du lịch Việt Nam thực chất không nằm trong tay cá nhân ai hoặc một nhóm người nào mà trong sự nỗ lực của toàn dân, của hàng ngàn đơn vị đang lao động trên lĩnh vực khai thác du lịch đang rất cần được khích lệ bởi những chính sách đổi mới của ngành quản lý du lịch. Cái đó đòi hỏi phải dày công học hỏi và lao động miệt mài chứ không phải được sinh ra từ những sinh hoạt phù phiếm và hình thức".
Nên thận trọng khi vẽ ra một hoạt động tốn kém công quỹ
Trước quan điểm của lãnh đạo du lịch khi cho rằng "các quốc gia khác có Đại sứ du lịch nên nước ta cũng cần phải có", ông thẳng thắn cho biết: "Có lẽ nên hỏi rõ vị quan chức của ngành du lịch đó là nước nào làm và đã có bao nhiêu nước bày vẽ ra các cuộc bình chọn Đại sứ du lịch? Ở đây chúng ta nên dựa vào truyền thống và thông lệ quốc gia và quốc tế. Chúng ta nên rất thận trọng khi vẽ vời ra một hình thức hoạt động tốn kém công quỹ và thời gian nếu việc làm đó chưa có từng có trong truyền thống và tiền lệ quốc gia".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nói rõ, ở đây một loạt câu hỏi liên quan đến lợi ích và hậu quả cần được giải đáp trước khi đưa ra quyết định. Còn đối với thông lệ quốc tế, nhà chức trách có trình độ và trách nhiệm phải trả lời được là đã có bao nhiêu quốc gia đang làm như vậy. Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 quốc gia và lãnh thổ có chủ quyền. Nếu khoảng 50% số quốc gia (tức là khoảng một trăm nước) đã làm việc đó thì chúng ta có thể coi là đã có một thông lệ quốc tế.
Nếu chỉ có vài nước thì đó là cá biệt và bất bình thường, chưa thể gọi là thông lệ. Với việc công, đôi khi thông lệ quốc tế lâu đời cũng chỉ là căn cứ để nhà quản lý tham khảo trước khi ra quyết định chứ chưa đủ làm lý cớ để hành động. Tôi không tin là có ai đó ở ngành du lịch mà lại lấy tấm gương của vài nước cá biật ra để học đòi tiêu tốn công của để... "cho vui". Hy vọng đó cũng chỉ là một câu nói đùa vô thưởng vô phạt "cho vui" mà thôi.
Tại sao lại phải bầu chọn quốc hoa?
Bày tỏ quan điểm trước việc bầu chọn quốc hoa, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết: "Đối với việc bình chọn Quốc hoa cũng vậy. Câu hỏi đầu tiên vẫn là: Tại sao lại phải bầu Quốc hoa? Để làm gì? Liệu đời sống văn hoá đất nước có được cải thiện hơn sau khi xuất hiện Quốc hoa, hay cuộc sống của nhân dân sẽ thêm rườm rà, phiền hà hơn? Lẽ ra câu hỏi đó đã phải được trưng cầu dân ý đầu tiên, trước khi lấy ý dân để chọn hoa sen hay hoa đào, hoa mai..."
Tại sao lại phải bầu chọn Quốc hoa
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, trên đời này chỉ có ba thứ xứng đáng được gắn với chữ "Quốc", đó là: Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy. Đó là những thông điệp tối hậu và thiêng liêng nhất. Nếu có ai đó có ý đồ gắn hoa, rượu và bất cứ vật thể nào lên những khái niệm tối thượng đó, theo tôi, đều là lạm dụng và xuất phát từ những ý đồ thiển cận, tác hại sẽ khó lường.
Về thông lệ quốc tế, thử hỏi đã có bao nhiêu quốc gia có cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức trưng cầu ý dân để biến một loại cây cỏ thành một thứ nghi thức quốc gia? Theo tôi biết, có lẽ không có. Có chăng, người ta gọi hoa Tuy líp là biểu tượng của Hà Lan, hoa Anh đào là biểu tượng của Nhật Bàn... là do tự nhiên mà có, là do "hữu xạ", là truyền thống chứ không phải nhờ các chủ trương hành chính và các con số bầu chọn trên mạng.
Quả thật tôi đã rất hoang mang khi đến dự một cuộc ra mắt chủ trương chọn hoa sen là Quốc hoa do Bộ Văn hoá tổ chức cách đây hai năm tại Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Tôi nhìn thấy đâu đâu cũng chỉ là toàn là hoa sen: Những bông sen to tướng xếp dày đặc trên sân khấu, trên cánh gà, trên phông màn, trên những váy áo của tất cả các nghệ sĩ của hơn mười tiết mục văn nghệ hôm đó.
Theo lời ông Nguyễn Xuân Thắng kể, trên mặt mấy chục chiếc bàn tiếp khách là những bình hoa sen ngất ngưởng, là những đĩa mứt sen được bày biện cẩu thả và những tách trà sen được pha chế đắng chát như thuốc bắc... Tôi chợt hỏi: Dân tộc của chúng ta, giang sơn gấm vóc của chúng ta chả lẽ chỉ có mỗi một thứ - và chỉ bấy nhiêu? Bản chất nhân văn, nhân bản của văn hoá là nằm trong chính sợi dây nối kết hài hoà giữa con người với thiên nhiên muôn hình vạn trạng.
Ngày nay, UNESCO đang tuyên ngôn cho nền một nền văn hoá nhân bản mang tính đa dạng để giúp giải phóng con người, giải phóng các dân tộc khỏi xích xiềng gò bó, kỳ thị, lấy đó làm cơ sở để con người phát huy tiềm năng lao động sáng tạo và làm cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn.
Hôm nay Liên Hợp quốc cũng đang kêu gọi mọi người hãy bảo vệ thế giới này bằng một sự phát triển cân bằng theo đúng quy luật phát triển tự nhiên. Vậy sẽ ra sao nếu từ nay chúng ta chỉ tôn thờ một loài hoa, khánh tiết quốc gia, lễ hội, sự kiện cơ quan đoàn thể, hiếu hỉ cộng đồng chỉ sử dụng một loài hoa cho “chính thống”, bởi chỉ vì loài hoa đó bỗng một ngày được gắn hai chữ "Quốc hoa"? Lợi ích này dành cho ai? Thành tích này thuộc về ai? Kỷ lục này do ai lập ra? Để làm gì và vì sao?
Ông Nguyễn Xuân Thắng kết luận: "Tôi xin đề nghị đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu để đưa ra những chủ trương nhằm hướng dẫn cho nhân dân và quy định cho các ngành hữu quan về các vấn đề liên quan đến những hoạt động xác lập thành tích về văn hoá và thi đua bầu chọn để tránh gây ra những tổn thất đáng tiếc cho sự nghiệp xây dựng đất nước".
Theo Thanh Huyền (Đất Việt)