Theo quan điểm của tín ngưỡng phương Đông, Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng chuyên quản Tài Phúc Phú Quý mang lại tài lộc, sung túc và may mắn cho gia chủ. Bởi vậy, trước khi bắt đầu kinh doanh buôn bán, người ta hay cầu khấn Thần Tài. Những gia đình kinh doanh hay công ty hay có ban thờ Thần Tài ở góc cửa ra vào.
Cho đến nay, sự tích về Thần Tài có rất nhiều, phổ biến nhất là 2 sự tích sau:
"Sự tích Âu Minh - Như Nguyện"
Sự tích kể rằng có một người lái buôn tên là Âu Minh khi qua hồ Thành Thảo, Thủy thần cho một cô nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà, từ đó làm ăn ngày càng phát đạt. Sau đó, vào một ngày tết, vì lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi chui vào đống rác và biến mất khi quét rác. Kể từ đó, Âu Minh làm ăn luôn thua lỗ, sa sút, chẳng mấy chốc trở nên phá sản, nghèo xác nghèo xơ. Hóa ra Như Nguyện chính là hóa thân của Thần Tài. Từ đó người ta thưởng lập bàn thờ để thờ vị thần này. Chính vì sự tích Âu Minh - Như Nguyện như trên mà người ta kiêng quét nhà trong 3 ngày tết vì sợ sẽ quét luôn cả Thần Tài trong đống rác đó thì việc làm ăn sẽ không suôn sẻ. Việc thờ Thần Tài ở nơi xó xỉnh cũng có nguồn gốc từ đây.
Sự tích “Thần tài gõ cửa”
Sự tích này kể rằng: Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Đến khi tỉnh dậy thì quần áo vừa bị lột sạch, vừa mất trí nhớ chẳng còn biết mình là ai.
Thần Tài đi lang thang xin ăn khắp nơi, cửa hàng nào có Thần Tài vào ăn thì khách kéo đến nườm nượp. Mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng được Thần Tài đến quán của mình, vậy nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”.
Để tưởng nhớ, người ta chọn ngày vía Thần Tài là ngày Thần Tài bay về trời: Ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Sự tích này về sau ngấm vào quan niệm của nhiều người, trở thành một tín ngưỡng dân gian, cứ vào ngày Thần Tài mùng 10 tháng Giêng Âm Lịch, nhà nhà lại nô nức đi sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài để cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt trong năm mới.
Từ đó, mua vàng với mong muốn “buôn may bán đắt” là một phong tục thường thấy, bởi vàng là tượng trưng cho giàu sang và phú quý.
Mặc dù cho đến nay chưa tìm thấy bất cứ tài liệu nào ghi chép về ngày vía Thần tài kể trên nhưng người ta vẫn tin rằng mua vàng trong ngày này và cất vàng trong két, trong ví hay để ở những nơi gần gũi với gia chủ sẽ mang lại tài lộc, sung túc cho cả năm.
Tục mua vàng cất trữ vào ngày vía Thần tài trở nên phổ biến trong một vài năm gần đây. Đón lõng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, các công ty vàng bạc đá quý đã tung ra nhiều sản phẩm phong phúc phục vụ nhu cầu này và nhanh chóng hốt bạc. Không chỉ vàng miếng, vàng thỏi, các sản phẩm vàng trang sức như nhẫn, vòng có in hình Thần tài rất được ưa chuông.
Theo các chuyên gia, hành động này cũng thể hiện nét đẹp tâm linh tín ngưỡng, tuy nhiên người dân không nhất thiết phải chen lấn xô đẩy mua vàng bằng được vào ngày này, thậm chí phải mua giá cao, tạo điều kiện cho người khác trục lợi.
Minh Minh