Trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp Dương Quá có cơ hội được gặp Thần Điêu – người bạn duy nhất của Độc Cô Cầu Bại. Sau khi gặp gỡ và trở thành bạn tâm giao, Thần Điêu đã dẫn Dương Quá tới mộ của Độc Cô Cầu Bại, chính vì thế Dương Quá đã phát hiện ra Độc Cô Cầu Bại là người có kiếm pháp vô song.
Trước khi chết lão Độc Cô Cầu Bại có lập mộ chôn giấu 5 thanh kiếm của mình. Theo đó 2 thanh kiếm đầu mà Dương Quá tìm được có thiết kế sắc bén, hoa mỹ, đây tượng trưng cho thời trai trẻ ngông cuồng của Độc Cô Cầu Bại khi còn là đệ nhất võ lâm.
Thanh kiếm thứ 3 chính là Huyền thiết trọng kiếm, đây chính là thanh kiếm khiến Độc Cô Cầu Bại vang danh thiên hạ.
Huyền thiết trọng kiếm đen trũi trông không có gì lạ, song cực nặng, đốc kiếm dài hơn ba thước, nặng không dưới bảy, tám chục cân, gấp vài lần thứ binh khí nặng nhất trong chiến trận. Dương Quá lúc cầm không ngờ nó nặng đến thế, nên đánh rơi xuống. Chàng cúi nhấc nó lên, lần này có phòng bị, không mấy khó khăn nhấc lên. Chàng thấy kiếm không có lưỡi sắc, mũi kiếm thì tròn như hình bán cầu, nghĩ bụng: “Thanh kiếm đã nặng, sử dụng bất tiện, lại không có lưỡi sắc và mũi nhọn, kỳ lạ thật!” Nhìn dưới bề mặt tảng đá, thấy có khắc hai hàng chữ nhỏ:
“Trọng kiếm thô sơ, không hề gia công.
Trước bốn mươi tuổi, tung hoành thiên hạ”.
Sức nặng và khả năng công phá khủng khiếp của Huyền thiết trọng kiếm có thể đánh tan mọi quân thù, phá nát mọi bộ giáp. Năm xưa, Độc Cô Cầu Bại đã dùng thanh kiếm này tung hoành thiên hạ, sau đó tới Dương Quá tiếp nhận và kế thừa Huyền thiết trọng kiếm cũng như võ công của Độc Cô Cầu Bại trở thành cao thủ “bất khả chiến bại”.
Sau này, Dương Quá đem thanh bảo kiếm tặng cho Quách Tương – con gái thứ của Hoàng Dung và Quách Tĩnh – cũng chính là nữ hiệp sáng lập ra môn phái Nga Mi. Sau đó Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã phá hủy Huyền thiết trọng kiếm rèn nên Đồ long đao.
Vậy tại sao Quách Tĩnh và Hoàng Dung lại phá hủy một bảo kiếm như Huyền thiết để rèn nên một binh khí khác?
Có ý kiến cho rằng Huyền thiết trọng kiếm là một binh khí khó sử dụng, người sử dụng được thần binh này, bên cạnh có sức khỏe bất phàm, còn phải có nội lực thâm hậu. Do đó, chỉ có những nhân vật sở hữu võ công thượng đỉnh như Độc Cô Cầu Bại và Dương Quá mới có thể phát huy hết được uy lực của thanh kiếm.
Về phần Quách Tĩnh, ông cũng là người vốn có nội công thâm hậu nhưng do võ công ông luyện là Hàng long thập bát chưởng nên không cần sử dụng binh khí.
Do đó sau Độc Cô Cầu Bại và Dương Quá thì không có ai sử dụng Huyền thiết trọng kiếm lại gặp lúc thành Tương Dương đang hỗn loạn trước sự xâm lăng của người Mông Cổ. Hoàng Dung thấy tình thế cấp bách nên đã cùng Quách Tĩnh, đem Huyền thiết trọng kiếm và cặp đôi Quân tử Thục nữ kiếm đúc thành 2 bảo vật chí tôn là Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm đem Võ mục di thư và Cửu âm chân kinh dấu vào trong đao kiếm để không cho rơi vào tay người Mông Cổ.
Sau thành Tương Dương bị thất thủ, cả gia đình Quách Tĩnh đều tự vẫn, ngoại trừ Quách Tương lúc đó ở xa nên thoát nạn. Quách Tương về sau lên núi sáng lập ra phái Nga Mi với bảo vật trấn phái là Ỷ thiên kiếm. Còn Đồ long đao thì rơi vào tay người Mông Cổ.
Quốc Tiệp (t/h)