“Tại sao sai phạm thì nhiều mà chuyển cơ quan điều tra lại ít?”

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 3, 14/09/2021 14:19

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng Kiểm toán Nhà nước có phần thiên về ưu tiên xử lý hành chính hơn.

Tiếp tục chương trình tại phiên họp thứ 2, sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật .

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán. Cung cấp 151 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình công tác…

Báo cáo cũng chỉ rõ các đơn vị còn chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị; quản lý doanh thu, chi phí, công nợ,…

Thảo luận tại phiên họp, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá tỉ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán rất thấp, thậm chí thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước.

“Tỉ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán rất thấp, tính đến ngày 31/8, chỉ đạt 49,9% và tỉ lệ thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. Điều đáng lưu ý là 3 năm trở lại đây thì tỉ lệ này đều thấp (năm 2018 là 51,3%, 2019 là 53,9%; 2020 là 49,9%). Đây là vấn đề đã nói nhiều năm cho nên cần lưu ý và có giải pháp. Do đó cần công khai các đơn vị không thực hiện kết luận của kiểm toán để báo cáo trước Quốc hội”, bà Nga nói.

Sự kiện - “Tại sao sai phạm thì nhiều mà chuyển cơ quan điều tra lại ít?”

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra các vụ kiểm toán rất ít, có phần thiên về xử lý hành chính và có biểu hiện “nhẹ” với đơn vị được xử phạt.

“Báo cáo của kiểm toán tính đến tháng 8/2021, Kiểm toán Nhà nước chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý 1 vụ. Mà báo cáo thẩm tra thì nói chuyển 5 vụ, mà 1 vụ hay 5 vụ thì chúng tôi thấy là số chuyển cơ quan điều tra rất ít, có biểu hiện thiên về xử lý hành chính và có biểu hiện hơi nhẹ trong việc này”, bà Nga chỉ ra và đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại số liệu.

“Tại sao mà sai phạm thì nhiều mà chuyển cơ quan điều tra lại ít thế? Đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ thêm chỗ này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp yêu cầu.

Bà Nga cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán khi kết quả thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tuy có đánh giá kết quả thực hiện nhưng chưa đầy đủ và còn mờ nhạt, cần có đánh giá thêm.

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm, đơn vị này đã triển khai công tác thanh tra nội bộ 7 đơn vị, tiếp nhận và xử lý kịp thời 28 đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị. Về vấn đề này, bà Nga đề nghị Kiểm toán Nhà nước "báo cáo rõ hơn để đánh giá công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm toán trong năm qua".

Cũng tại phiên thảo luận, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần công bố, công khai với Quốc hội về các cá nhân, tổ chức ban hành các văn bản không đúng thẩm quyền, sai quy định để khắc phục tồn tại hạn chế và các kiến nghị kiểm toán sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh hơn.

Sự kiện - “Tại sao sai phạm thì nhiều mà chuyển cơ quan điều tra lại ít?” (Hình 2).

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Thanh cũng yêu cầu làm rõ việc “hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật mà báo cáo kiểm toán nêu thì tỉ lệ phải hủy bỏ, thay thế cụ thể như thế nào?”.

Ngoài ra, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, khối lượng công việc của Kiểm toán Nhà nước còn lại rất nhiều, đề nghị bố trí kế hoạch kiểm toán đảm bảo trọng tâm, đặc biệt là các cuộc kiểm toán phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, quan tâm vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, nếu thực hiện tốt việc xử lý tài chính sau kiểm toán thì đây sẽ là nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán cụ thể, đặc biệt lưu ý các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để phục vụ chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành”, bảo đảm chất lượng và thời gian các chuyên đề giám sát.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.