Câu hỏi “tại sao thơ?” mà tôi tự đặt ra cho mình như một nghi án cần hóa giải, nếu phải chi tiết hơn nữa, sẽ là: “tại sao nhiều người, rất nhiều người, lại chọn thơ, chứ không phải một thể loại nào khác, cho sự thực hành viết/ sáng tác văn chương của mình?”.
Cũng cần nói ngay, câu hỏi “tại sao thơ?” ấy là sự thắc mắc trên nền cảnh Việt Nam, một nước vốn nức tiếng là “thi quốc”, nơi thơ có truyền thống cực kỳ sâu gốc bền rễ, nơi mà ta thật không khó để thấy ngay cái hiện tượng này: nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, các thi tập in ra không đếm xuể, câu lạc bộ thơ các cấp các dạng mọc lên bạt ngàn tươi tốt và hội viên thơ của Hội nhà văn Việt Nam thì luôn đông đến mức áp đảo tuyệt đối hội viên thuộc các chuyên ngành khác, nếu xét về số lượng.
Có thể là vì tâm hồn người Việt Nam chúng ta thiên về lãng mạn trữ tình, rất hợp với thơ (nên mới có sự kiện là số lượng người làm thơ luôn cao vọt chăng?). Điều này thì ông chủ bút “Nam Phong tạp chí” đã từng quả quyết trong bài diễn thuyết giữa Thủ đô Ba Lê hoa lệ của Pháp quốc năm 1922: “Nếu như thi ca, phân tích cuối cùng là ở chỗ nó là một khả năng nào đó để xúc động trước những cảnh đời và cảnh thiên nhiên, để biến sự xúc động êm dịu và nhất thời này thành những câu chữ hài hòa và có nhịp điệu, thì dân tộc chúng ta đã luôn sở hữu cái bản năng thi ca này có thể gọi là ở trạng thái thuần khiết” (Phạm Quỳnh, bài “Thơ nước Nam”, in trong “Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp năm 1922 – 1932”, Nguyễn Xuân Khánh dịch).
Hãy chú ý đến những từ “xúc động” và “nhất thời” mà học giả Phạm Quỳnh đã nói. Đó chính là những từ khóa quan trọng có thể cho ta thấy phần nào cái bí mật của việc rất, rất nhiều người Việt Nam chọn thơ cho sự “thực hành viết” của mình. Tôi muốn diễn đạt theo cách khác: thơ, hơn bất cứ một thể loại nào, là sự hồi đáp tức thì của cảm xúc con người trước những va đập, những tác động của ngoại giới. Tâm hồn người Việt Nam, như giả định, rất nhạy cảm, nên cũng rất dễ rung động trước các hình sắc, mùi vị, âm thanh và những chuyển biến của thế giới, và vì thế dễ có sự vọt trào của thơ. Có lẽ không ai phát biểu cái ý này về thơ, và phát biểu bằng thơ, hay như “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, trong “Lời thơ vào tập Gửi hương”:
“Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Khi gió sớm vào reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa
Hát vô ích, thế mà chim vỡ cổ
Héo tim xanh cho quá độ tài tình
Ca ánh sáng bao lần dây máu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh
Tôi réo rắt, chẳng qua trời bắt vậy
Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo
Gió đã thổi cho nên buồn phải dậy
Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo...”
Cũng chính từ quan điểm này mà ta có thể lý giải được tại sao, chiếm một tỉ lệ cực cao, là những người sáng tác văn chương bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình bằng thơ. Tất nhiên trong số đó có nhiều người chung thủy suốt đời với thơ, và đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng cũng không ít người chỉ dan díu lúc đầu rồi nhanh chóng bỏ thơ để tìm đến và đi theo những nẻo đường văn chương khác.
Ví như, trước năm 1945, nhiều nhà văn hiện thực chủ nghĩa vào loại “nồng danh khét tiếng” như Nam Cao, Tô Hoài đều khởi sự bằng thơ, những bài thơ lãng mạn trữ tình rập khuôn Thơ Mới chẳng mấy ai đọc, và đương nhiên các ông cũng chẳng muốn nhớ làm gì. Mới đây nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân còn cho tôi biết một chi tiết khá thú vị về Vũ Trọng Phụng: bài đăng báo đầu tiên của nhà văn này hóa ra là... lời hai bài hát kiểu vọng cổ Nam Kỳ (nghĩa là cũng vần cũng nhịp từa tựa như thơ mà phần đông vẫn quan niệm).
Sau này, ở “nhà số 4”, tức “Tạp chí Văn nghệ Quân đội”, lại có nhiều nhà văn được đông đảo độc giả biết đến qua những tác phẩm tiểu thuyết chiến tranh rất dày, rất dài, hiện thực khốc liệt rậm rịt chồng chéo, như Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Khuất Quang Thụy..., thì khi lật giở chồng tạp chí cũ, tôi mới “ngã ngửa người ra” là các ông cũng từng làm thơ, in thơ khi còn trẻ, những bài thơ tất nhiên là vô cùng dạt dào cảm xúc. Hình như, càng ở tuổi hoa niên bồng bột phấn khích thì người sáng tác văn chương càng nhạy cảm, dễ rung động, dễ nhập hồn vào thơ để bộc phát thế giới tinh thần, cái “cây đàn muôn điệu” của mình thì phải?
Cái “gen” cảm xúc của dân tộc được di truyền hay cái “căn tạng” sáng tác của các cá nhân có thể là lời giải tương đối cho câu hỏi “tại sao thơ?” Nhưng như thế chưa đủ. Trong công trình có tên “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do”, xuất bản năm 2023, hai nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương đã dựa trên lý thuyết trường văn học của Pierre Bourdieu để tìm hiểu sự hình thành trường văn học thuộc địa ở Việt Nam trước năm 1945. Họ đã thống kê, phân tích, so sánh khá nhiều trường hợp các tác giả văn xuôi và các tác giả thơ thời kỳ ấy, để khẳng định rằng: dẫu có mang tinh thần “vô vị lợi” đến đâu thì việc lựa chọn thơ để có một chỗ đứng nhất định trong đời sống văn chương cũng vẫn là một lựa chọn, một lựa chọn “gắn với những cấu trúc xã hội bề sâu, dựa trên những số vốn, số tư bản xã hội và văn chương mà mỗi cá nhân hay cộng đồng thừa kế và đầu tư vào một không gian và vị thế tiềm năng”.
Trình bày thì lâu, nên tôi sẽ nói ngay về một kết luận... giật mình, nhưng cũng rất thú vị: “Khoảng thời gian cần thiết để những tay mơ chính thức bước vào trường văn học như một nhà thơ ngắn hơn rất nhiều so với một nhà văn. Như vậy, để bước vào trường văn học đang thành hình đầu thế kỷ, những tác giả ở tỉnh lẻ càng xa so với trung tâm là những đô thị như Hà Nội thì càng cần lựa chọn tấm vé có giá trị nhỏ nhất, nghĩa là vừa với “túi tiền” của họ, vừa với khả năng đầu tư về mặt giá trị tài chính nhưng nhanh chóng thu lại được giá trị tượng trưng. Thi ca là một trong những loại hình cho phép lựa chọn hành động đạt đến hiệu quả cao nhất, vượt qua được khoảng cách không gian địa lý, và rút ngắn thời gian chờ đợi để được tham dự”.
Một thế kỷ đã đi qua, bao nhiêu thăng trầm dâu bể, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu, đời sống văn chương Việt Nam đương đại cũng chịu nhiều tác động khác với quãng thời gian cách nay một thế kỷ. Nhưng những gì mà hai tác giả cuốn “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” nói về việc lựa chọn thơ của “các cụ” thời văn chương thuộc địa xem ra vẫn có thể giúp ta, phần nào đó, trả lời câu hỏi “tại sao thơ?” thời bây giờ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả