Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu đã gửi một lá thư tới Liên Hợp Quốc (LHQ) chính thức yêu cầu rằng đất nước của ông được gọi là “Türkiye”, AP dẫn nguồn hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency đưa tin.
Động thái này được coi là một phần trong nỗ lực của Ankara nhằm làm mới thương hiệu đất nước và tách tên nước khỏi tên của loài gia cầm là gà tây (turkey) trong tiếng Anh và một số hàm ý tiêu cực liên quan đến nó.
Anadolu Agency cho biết, ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, xác nhận đã nhận được bức thư vào cuối ngày 1/6.
Hãng thông tấn này dẫn lời ông Dujarric cho biết, việc thay đổi tên đã có hiệu lực "kể từ thời điểm" bức thư được nhận.
Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã xúc tiến đổi cách gọi Thổ Nhĩ Kỳ được quốc tế công nhận từ “Turkey” thành “Türkiye”, được đánh vần theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là tur-key-YAY.
Quốc gia giữa hai bờ lục địa Á-Âu tự gọi mình là “Türkiye” vào năm 1923 sau khi tuyên bố độc lập.
Hồi tháng 12/2021, ông Erdoğan đã ra lệnh sử dụng từ “Türkiye” để thể hiện tốt hơn văn hóa và giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc yêu cầu sử dụng “Made in Türkiye” thay vì “Made in Turkey” trên các sản phẩm xuất khẩu. Các Bộ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu sử dụng “Türkiye” trong các tài liệu chính thức.
Đầu năm nay, Chính phủ cũng đã phát hành một video quảng cáo như một phần trong nỗ lực thay đổi tên gọi quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiếng Anh. Video cho thấy khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới nói “Xin chào Türkiye” tại các điểm đến nổi tiếng của đất nước.
Ban Truyền thông của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã khởi động chiến dịch để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn “Türkiye” làm tên quốc gia và quốc tế của đất nước trên các nền tảng quốc tế.
Không rõ liệu từ “Türkiye”, với một chữ cái không có trong bảng chữ cái tiếng Anh, có được phổ biến rộng rãi trên thị trường quốc tế hay không. Vào năm 2016, Cộng hòa Séc (Republic of Czech) đã chính thức đăng ký tên viết tắt của mình là Czechia, và trong khi một số tổ chức quốc tế sử dụng tên này, nhiều người vẫn gọi quốc gia này bằng tên dài hơn là Cộng hòa Séc.
Đài truyền hình nhà nước nói tiếng Anh của Thổ Nhĩ Kỳ TRT World đã chuyển sang sử dụng “Türkiye”, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị nhầm thành “Turkey” do các nhà báo vẫn đang trong quá trình làm quen với sự thay đổi này.
TRT World đã giải thích quyết định này trong một bài báo vào đầu năm nay, nói rằng khi tìm kiếm từ “Turkey” trên Google sẽ cho ra kết quả là “một tập hợp lộn xộn các hình ảnh, bài báo và định nghĩa từ điển liên quan đến Meleagris - hay còn được gọi là gà tây, một loài chim lớn có nguồn gốc từ Bắc Mỹ - một món nổi tiếng trong thực đơn Giáng sinh hay Lễ Tạ ơn.
“Lướt qua Từ điển Cambridge thì “turkey” được định nghĩa là “thứ gì đó thất bại nặng nề” hoặc “một người ngu ngốc hoặc ngớ ngẩn”, đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đồng thời lập luận rằng người Thổ Nhĩ Kỳ thích quốc gia của họ được gọi là “Türkiye”, vì “phù hợp với mục đích của quốc gia là xác định cách người khác nhận dạng quốc gia đó”.
Minh Đức (Theo Hindustan Times)