Những tin đồn gây chao đảo thị trường chứng khoán
Sáng 9/8/2017, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt. Thông tin này đã "lây lan" trong cộng đồng và tác động xấu đến các giao dịch trên thị trường tài chính.
Ông Trần Bắc Hà từng có 35 năm công tác tại BIDV, trong đó hơn 8 năm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT. Là một người có sức ảnh hưởng lớn đến BIDV và trong lĩnh vực ngân hàng nên mặc dù đã nghỉ hưu gần một năm nay, song tin đồn về ông Hà vẫn khiến thị trường chao đảo.
Ngay sau khi xuất hiện tin đồn, khoảng 10h sáng 9/8, cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV bất ngờ chìm trong sắc đỏ và lao dốc xuống mức gần kịch sàn còn 20.400 đồng/ cổ phiếu. Hậu quả tiếp theo là hàng loạt cổ phiếu của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn giảm theo như cổ phiếu VCB (của ngân hàng Vietcombank), CTG (Vietinbank), ACB (Ngân hàng Á Châu), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco)...
Giới phân tích đánh giá, sự lao dốc của cổ phiếu BID sáng 9/8 có nguyên nhân từ tin đồn bị bắt nói trên của ông Trần Bắc Hà.
Gần như ngay sau đó, vị cựu chủ tịch BIDV trả lời báo chí cho biết “Tôi vẫn bình thường”, một đại diện Tổng cục Cảnh sát bác tin đồn nói trên. Khoảng một giờ sau, cổ phiếu BID rút ngắn biên độ giảm, nhích lên mức 20.800 đồng/ cổ phiếu bởi vì bên cạnh lệnh bán đã có một dòng tiền đổ ra mua lại. Song chỉ sau đó ít phút tăng điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại chìm trong sắc đỏ.
Sáng 10/8, phát biểu tại buổi lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh do bộ Tài chính tổ chức, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có những lời trấn an nhà đầu tư, khẳng định Chính phủ cam kết điều hành thị trường công khai và minh bạch, kêu gọi nhà đầu tư không nên tin vào những tin đồn không căn cứ.
Khẳng định của Phó Thủ tướng đã khiến TTCK tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng 10/8. Tuy nhiên tình hình cũng không lạc quan hơn và theo ước tính, tin đồn thất thiệt này đã khiến TTCK “bốc hơi” gần 2 tỉ USD sau một ngày.
Đây là lần thứ hai vị cựu chủ tịch BIDV dính đồn bị bắt. Lần thứ nhất xuất hiện vào năm 2012. Cùng ngày với tin đồn này là các tin đồn Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2-3%, xăng tăng 6%. Hậu quả là TTCK khi đó cũng “bốc hơi” gần 1,6 tỷ USD. Ba người được xác định phao tin đồn sau đó đã bị bắt và bị phạt hành chính.
“Nhà đầu tư cần tỉnh táo!”
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, người đầu tiên thành lập ngân hàng Việt Nam tại Mỹ đã khuyến cáo các nhà đầu tư như vậy.
Chia sẻ với PV, ông Hiếu nói: “Tin đồn là một điều hết sức bình thường trên tất cả các TTCK. Cơ chế tác động của tin đồn là làm hoang mang, dao động các nhà đầu tư khiến họ ra quyết định mua, bán cổ phiếu bất thường. Tin ông Trần Bắc Hà bị bắt đã xuất hiện một lần cách đây vài năm, song lần này nó để lại hậu quả nghiêm trọng hơn do đây là thời điểm các vụ án ngân hàng lớn đang bị xử lý như Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương...”
“Các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý những tin đồn kiểu này, song một điều chắc chắn là họ chỉ có thể xử lý khi tin đồn đã xảy ra bằng cách khắc phục hậu quả, việc của chúng ta là phải hết sức tỉnh táo. Bởi vì rất có thể đã có một nhóm người chủ động phao tin thất thiệt làm chứng khoán rớt điểm rồi chớp cơ hội mua vào để kiếm lời khi thị trường đã quân bình trở lại” – ông Hiếu nhận định.
Theo TS.Nguyễn Minh Phong, ai đó có thể đã nhận định được BIDV là ngân hàng đứng thứ tư trong nhóm các ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay, nó không để phá sản được, do đó họ cố tình tạo sóng khiến một số nhà đầu tư bị dao động, bán ra rồi họ sẽ tiến hành mua vét.
"Tôi cho rằng đây là bản chất vấn đề của vụ việc lần này" - TS.Nguyễn Minh Phong nói.
Cũng theo ông Phong, lần này nhà điều hành đã có kinh nghiệm nên phản ứng khá kịp thời bằng việc Tổng cục Cảnh sát sớm lên tiếng bác tin đồn, một số báo chí nhanh chóng vào cuộc để trấn an dư luận. Song do cơ chế khớp lệnh sau một giờ của TTCK hiện nay (thay vì khớp lệnh sau 3 giờ như trước đây) nên nhiều lệnh bán ra đã được chốt trước khi có thông tin chính thức bác bỏ tin đồn.
"Nguyên nhân của tin đồn có một phần do sự mập mờ không minh bạch, chậm công bố thông tin quản lý của các đơn vị cơ sở, ngoài ra cuộc chiến tin đồn cũng gắn với cuộc chiến của lợi ích nhóm" - TS.Phong cho biết.
Một chuyên gia giảng dạy về xử lý khủng hoảng truyền thông cũng chia sẻ với chúng tôi rằng vụ tin đồn lần này ẩn chứa nhiều phần chìm của tảng băng, tốt nhất chúng ta nên tỉnh táo, ủng hộ chủ trương chống tham nhũng và điều hành vĩ mô của Chính phủ, tránh tiếp tay cho tin đồn làm nhiễu loạn thêm thị trường.
“Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có quy định một trong các hành vi bị cấm như: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo đó, việc tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật về cá nhân hay tổ chức nào đó hoặc tin đồn khủng bố, dịch bệnh…gây hoang mang cho người dân, lên các trang mạng xã hội là hành vi trái pháp luật. Do đó, người có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi đó gây ra. Nghị định 174/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. (Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) |