Trong một thông báo chính thức hôm thứ Sáu 10/9, “ông lớn” Toyota Motor cho biết rằng sẽ sản xuất ít hơn khoảng 40% lượng ô tô và xe tải trên khắp thế giới vào tháng 10/2021.
Cụ thể, hãng xe danh giá đến từ đất nước Mặt trời mọc này dự kiến sẽ cắt giảm sản xuất hơn 330.000 xe vào tháng 10 so với kế hoạch. Các công ty Toyota kinh doanh ở Bắc Mỹ có thể chứng kiến sản lượng giảm từ 60.000 - 80.000 trong tháng 10. Công ty cũng cho biết sản lượng toàn cầu trong tháng 9 sẽ giảm khoảng 70.000 xe so với mục tiêu trước đó.
Việc cắt giảm sản lượng lên tới khoảng 330.000 xe này đồng nghĩa với việc phía công ty tạm ngừng dây chuyền sản xuất tại nhiều nhà máy Nhật Bản, bắt đầu từ đầu tháng tới. Sản xuất ở Bắc Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu cũng bị cắt giảm, ước tính con số lên tới vài chục nghìn xe.
Thông báo sẽ khiến sản lượng toàn cầu của Toyota trong tháng thấp hơn nhiều so với tháng 9 năm ngoái, thời điểm mà “bức tranh ảnh đạm” của nhu cầu thị trường thế giới những tưởng xuất hiện những gam màu tươi sáng về khả năng phục hồi sau đại dịch Covid kết thúc. Trong thời gian đó, Toyota đã xuất xưởng 840.000 chiếc xe.
Vào năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2022, Toyota hiện dự kiến sẽ sản xuất 9 triệu xe ô tô và xe tải, giảm so với ước tính trước đó là 9,3 triệu chiếc.
Nguyên nhân cắt giảm sản xuất
Đây sẽ là tháng thứ hai liên tiếp trong năm nay chứng kiến hãng xe Nhật Bản này buộc phải lựa chọn cắt giảm sản xuất.
Giải thích về quyết định này, hãng cho biết nguyên nhân việc điều chỉnh số lượng xe sản xuất ra là kết quả cộng hưởng từ sự khan hiếm nguồn cung bán dẫn và những đợt càn quét nghiêm trọng kéo dài của đại dịch Covid-19 đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Đại diện hãng cho biết. “Mặc dù các nhà máy và nhà cung cấp của chúng tôi đang thực hiện các biện pháp kiểm dịch và tiêm phòng triệt để để đối phó với đại dịch ở Đông Nam Á, nhưng sự lây lan của Covid-19 vẫn là quá khó để có thể lường trước được. Nhiều nhà máy tại đây đang lâm vào tình trạng khó khăn để duy trì sản xuất do các lệnh phong tỏa.”
Kazunari Kumakura, Giám đốc quản lý nguồn cung của Toyota Motor, đã trả lời phỏng vấn hồi tháng 8 cho biết việc nhà máy bị đóng cửa vì các ca nhiễm Covid-19 làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhanh chóng. Toyota đã có hơn 400 đơn vị cung cấp linh phụ kiện hoạt động ở Malaysia và Việt Nam, theo dữ liệu thống kê của Bloomberg. Việt Nam là một trong các nguồn cung cấp dây điện lớn nhất của Toyota, còn Malaysia vài năm qua nổi lên như một trung tâm lớn về gia công đóng gói và hoàn thiện chip. Đây đều là các thành phần thiết yếu để những tính năng điện, điện tử của ôtô có thể kết nối và vận hành.
Trước đó vào cuối tháng 7, ba nhà máy Toyota Thái Lan cũng đã phải tạm ngừng hoạt động vài ngày. Lý do cũng là các đối tác cung ứng không thể sản xuất vì đại dịch Covid-19 dẫn đến thiếu linh kiện, phụ tùng.
Kế hoạch sản xuất thích nghi với tình hình mới
Trả lời về khả năng Toyota và các nhà sản xuất khác tiến hành điều chỉnh hệ thống sản xuất tại Đông Nam Á, chuyên gia phân tích Tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence cho rằng đợt bùng phát biến chủng Delta ở khu vực có thể diễn ra trong thời gian ngắn hạn nên khả năng các hãng xe xây dựng tái cấu trúc chuỗi cung ứng là rất thấp. Bởi việc tìm kiếm nguồn cung ứng đơn lẻ mới hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đòi hỏi đầu tư nhiều công sức và tiền bạc. Hơn nữa, các trung tâm sản xuất của Toyota Đông Nam Á đã được xây dựng và vận hành ổn định trước đại dịch.
Theo ông Kazunari Kumakura, Giám đốc quản lý nguồn cung của hãng xe Nhật Bản chia sẻ, Toyota sẽ xem xét lại cách phân bổ sản xuất và tính đến nhiều rủi ro để không rơi vào tình thế bị động nữa.
Thông báo vừa qua của Toyota như là hồi chuông cảnh báo mới nhất vang lên cho thấy rằng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chịu tác động sâu sắc bởi sự thiếu hụt chip có nguy cơ kéo dài sang năm 2022.
Nhận định về chiến lược phát triển dài hạn của ngành công nghiệp ô tô trong tình hình mới, ông Howard Yu, Giáo sư tại Viện Phát triển Quản lý tại Thụy Sĩ, cho rằng các nhà sản xuất ô tô cần cố gắng tối ưu chi phí sản xuất bằng cách tinh gọn khâu dự trữ và mở rộng chuỗi cung ứng. Giáo sư Howard Yu cũng cho rằng nhà sản xuất nên tính đến sự cân bằng giữ hiệu quả sản xuất và khả năng phục hồi khi có những cuộc khủng hoảng khó lường trước được như đại dịch Covid-19 hiện nay.
Phạm Thu Thanh (theo New York times)