Giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bất chấp động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng lượng cung. Vàng SJC bị đẩy lên trong bối cảnh giá vàng thế giới tối qua tăng mạnh lên mức 2.351 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 72,23 triệu đồng/lượng, theo Tuổi trẻ.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới vì thế ngày càng giãn rộng, không phản ánh đúng quy luật thị trường.
Điều này đã làm dấy lên những lo ngại rằng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục dù Thủ tướng đã liên tục yêu cầu các cơ quan chức năng cần có các biện pháp để "hạ nhiệt" thị trường.
Tại sao giá vàng SJC tăng “phi mã”?
Đó là câu hỏi của rất nhiều người dân tại thời điểm này khi nhìn giá vàng SJC liên tục “nhảy nhót.” Mở cửa phiên 10/5, giá vàng SJC tăng mạnh thêm 1 triệu đồng/lượng lên mức 88,9-91,2 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 5 triệu đồng/lượng so với phiên đầu tuần (6/5). Đây là mức cao nhất mọi thời đại và cao hơn giá vàng thế giới đến 18,5 triệu đồng/lượng.
Theo Tin tức, một số dự báo lạc quan cho rằng, thị trường vàng thế giới có thể leo lên mốc 3.000 USD/ounce trong thời gian tới, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và nguy cơ xung đột quân sự vẫn khó lường, cộng thêm lực mua từ các NHTƯ nhằm đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối, cũng như lực mua từ các nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu là tại châu Á.
Trong trường hợp giá kim loại quý này có thể leo lên mức như thế, giá vàng thế giới quy đổi có thể ở mức 92,6 triệu đồng/lượng nếu tính theo tỷ giá USD/VNĐ là 25.600 đồng. Nếu chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới vẫn duy trì ở mức 19 triệu đồng/lượng như hiện nay, giá vàng SJC trong nước có thể chạm mốc 110 triệu đồng/lượng, tức có thể tăng thêm hơn 22% từ mức hiện nay.
Dự báo này có thể xảy ra, nếu trong thời gian tới Việt Nam không có nguồn cung vàng ra thị trường.
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đấu thầu vàng SJC?
Nguyên nhân ít doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng phần lớn đến từ sự thận trọng khi giá vàng thế giới đang biến động mạnh và giá khởi điểm mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra khá cao.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước đang “một mình một chợ,” nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo khách hàng nên thận trọng đầu tư vì rủi ro rất lớn.
Việc giá vàng SJC tăng không ngừng nghỉ khiến ngày càng nhiều người hoài nghi về hiệu quả của đấu thầu vàng miếng trong việc hạ nhiệt giá thương hiệu vàng này, thu hẹp chênh lệch với vàng quốc tế như mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra.
Theo chuyên gia, việc đấu thầu vàng vừa qua không có hiệu quả giảm giá vàng, mà thậm chí còn kích hoạt tâm lý tăng giá. Giá vàng trong nước những ngày qua vẫn tăng, khoảng cách với vàng quốc tế tiếp tục giãn ra, điều đó có nghĩa không có bất cứ thay đổi nào về nguồn cung.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400-500 lượng vàng, thay vì 700-1.400 lượng như hiện nay, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng giá còn cao.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho biết về nguyên tắc, người đấu thầu quyết định về giá và người mua thầu quyết định về số lượng và ngược lại. Trong khi đó, các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước lại rất "lạ". "Không bao giờ có chuyện người đấu thầu quyết định cả về giá và số lượng," ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cũng chỉ ra mục đích của Ngân hàng Nhà nước là giảm giá vàng. Để làm được điều này thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 72 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 72 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 72 triệu đồng/lượng và bán ra 73 triệu đồng/lượng, trong khi giá tham chiếu đưa ra đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước lại quá cao, theo Vietnamplus.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng đánh giá, vàng SJC trong nước từ trước đến nay nguồn cung vẫn ít hơn cầu. Đây là nguyên nhân giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp kinh doanh vàng có dự báo về giá vàng như thế nào, từ đó có dám mua hay không? Nếu lượng cung không tăng, các doanh nghiệp vàng không muốn đấu thầu thì trong trường hợp giá vàng thế giới tăng lên 2.400 - 2.500 USD/ounce, giá vàng trong nước có thể lên đến 100 triệu đồng/lượng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế dự báo, sẽ có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng giá vàng tăng quá nóng như thời gian vừa qua. Mặt khác, nếu giá vàng tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng. Lúc đó, bong bóng giá vàng sẽ vỡ.
Các chuyên gia cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc việc mở rộng danh sách các đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, hoặc thậm chí là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp lý. Việc tăng cường minh bạch trong quy trình đấu thầu và cung cấp dữ liệu thị trường một cách công khai và định kỳ cũng sẽ góp phần tạo niềm tin cho thị trường vàng.
Ngóng chờ sửa đổi Nghị định 24
Tuy nhiên, các giải pháp trên mới chỉ là tình thế. Việc cần làm về lâu dài, theo các chuyên gia là cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nếu sửa Nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể sẽ lại tiếp tục lập kỷ lục mới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cần sửa quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và bỏ việc công nhận SJC là thương hiệu vàng miếng chuẩn quốc gia. Bởi lẽ, đây là nguyên nhân chính làm cho giá vàng SJC luôn cao hơn giá thế giới kéo dài thời gian qua.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. Đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. Việc này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, đấu thầu vàng không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất để tăng nguồn cung là cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng. Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
"Bằng cách này, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới liên thông ngay. Bởi vì các doanh nghiệp vàng bạc nhập khẩu vàng từ Singpore, HồngKông, Thái Lan về đây quá nhanh," ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, mặc dù giá vàng tăng "điên đảo" thời gian vừa qua, nhưng không có chuyện "vàng hóa" như nhiều người lo ngại.
KHÁNH LINH (t/h)