Sáng nay (18/5), giá vàng thế giới tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 38,9 USD lên 2.414,4 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.419,8 USD/ounce, tăng 34,3 USD so với rạng sáng qua.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC đi ngang quanh 90 triệu đồng/lượng bán ra. Theo đó, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý SJC neo ở mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào và 90 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng tại DOJI Hà Nội điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua xuống 87,4 triệu đồng/lượng nhưng giữ nguyên mức giá chiều bán của rạng sáng qua là 89,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước “đứng im” sau một loạt các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước về đấu thầu vàng. Đặc biệt, ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước công bố thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây.
Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, thậm chí, cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC lập đỉnh 92 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều ý kiến chung cho rằng, vàng không phải mặt hàng bình ổn giá, do đó Nhà nước không can thiệp, bảo hộ, kiểm soát giá. Ngân hàng Nhà nước chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng chứ không độc quyền kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, vàng miếng là loại sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ. Nhu cầu mua bán, trao đổi vàng miếng của người dân là chính đáng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường, "tạo sân chơi bình đẳng" cho các chủ thể. Cơ quan quản lý cũng cần xử lý nghiêm các vi phạm như đầu cơ, lũng đoạn thị trường.
Đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp để tăng cung vàng miếng, hạ nhiệt thị trường, trong đó có vấn đề giá chào sàn phù hợp để tổ chức thành công các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân…
Về căn cơ, lâu dài, cần phải sửa đổi Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, chuyển sang quản lý vàng miếng là vàng chất lượng 9999. Còn vàng trang sức thì coi là hàng hóa bình thường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung. Từ 19/4 đến nay có 7 phiên đấu thầu vàng và 4 phiên thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).
Tuần tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức hai phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21 và 23/5.
Với thị trường tiền tệ, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.239 đồng/USD, giảm 1 đồng/USD so với sáng qua. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết 23.400 - 25.450 đồng/USD mua vào - bán ra.
Tỷ giá các ngân hàng thương mại quanh mức 25.151 - 25.451 đồng/USD.
Giá vàng thế giới tiếp đà tăng trong phiên giao dịch cuối của tuần này, ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi kỳ vọng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất được cải thiện.
Một số chuyên gia cho rằng, các dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát có thể đang “hạ nhiệt”, làm tăng triển vọng Fed sẽ sớm tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới, điều này có xu hướng hỗ trợ giá vàng.
Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự báo, vàng sẽ tiếp tục tăng nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi. WGC kỳ vọng vàng sẽ tăng 8% so cùng kỳ năm ngoái trong năm 2024.
Giám đốc điều hành Julia Khandoshko của Công ty môi giới Mind Money cho rằng, nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối sẽ là yếu tố giữ đà tăng dài hạn của kim loại quý này.
Hoạt động mua vàng kỷ lục của ngân hàng Trung ương, dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, đã thúc đẩy nhu cầu vàng trong quý đầu tiên của năm 2024.
KHÁNH LINH (t/h)