Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật. Đặc biệt, kỳ họp này, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Về các nguyên tắc xây dựng Luật, Pháp lệnh, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh: “Tôi đồng tình với đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội là chúng ta còn những điểm hạn chế trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, tôi thấy trong phần nguyên nhân có nêu là chưa thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chưa nói đến cách tháo gỡ vấn đề này. Hiện nay, công việc này chúng ta giao cho các Bộ là chủ yếu nên dẫn đến mỗi kỳ họp đều phải điều chỉnh.
Tôi cho rằng, cách làm luật hiện nay là không ổn. Chúng ta không có chế tài xử lý các cơ quan được giao không hoàn thành nhiệm vụ, vì sao không đảm bảo được thời gian, quy định của Quốc hội. Tôi đề nghị xem xét lại quy trình làm luật hiện nay. Nên xem xét tính toán đến một cơ quan chuyên trách của Quốc hội để nghiên cứu vấn đề này, tránh trường hợp bị động xây dựng chương trình luật. Xem xét các cơ quan được giao vì lý do gì mà chậm trễ, do yếu tố khách quan hay có động cơ lợi ích trong việc trì hoãn các dự án luật đã được QH thông qua”.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng ý với nguyên tắc nêu trong báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là điều chỉnh các vấn đề cần thiết, ưu tiên của dự án luật.
“Quốc hội giao cho các cơ quan xem xét, soạn thảo các vấn đề là đã thể hiện tính ưu tiên các luật, pháp lệnh, tuy nhiên các cơ quan được giao lại không thực hiện đúng. Tôi lấy ví dụ, Ủy ban Thường vụ QH có Nghị quyết 344 giao Chính phủ xem xét vấn đề xử lý, cán bộ, công chức, viên chức, vi phạm kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy Nhà nước. Đây là vấn đề cấp thiết, dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện nay, chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý, hoặc các quy định hiện hành không phù hợp.
Quốc hội đã giao cho Chính phủ nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy đưa vào dự án luật. Năm 2017, 2018, 2019 cũng không thấy có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chúng ta có nguyên tắc cụ thể nhưng khi thực hiện lại không thấy có. Chính vì thế, tôi đề nghị Quốc hội giao Chính phủ phải xem xét sớm vấn đề này và tôi đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội”, ĐB Tâm nói.
Đồng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cho rằng, Quốc hội phải đảm bảo thực hiện triệt để các nguyên tắc xây dựng luật, pháp lệnh.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nêu ý kiến: “Tôi thống nhất với nguyên tắc tại một kỳ họp, một cơ quan trình không quá 3 dự án và kèm đầy đủ hồ sơ. Tuy nhiên, ngay tại kỳ họp này chúng ta vẫn chưa làm được việc này. Tôi đề nghị phải thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan được Quốc hội giao mà không chấp hành thì xử lý như thế nào? Chế tài không có khiến chúng ta phê bình hôm nay xong ngày mai lại mắc phải”.
Đỗ Thơm