Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã tái sinh và tôn vinh di sản bằng ngôn ngữ thời trang cổ phục.
Là một trong những điểm nhấn thú vị của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, tọa đàm “Thời trang và Di sản” mang đến những góc nhìn mới về ngành thời trang trong việc kết hợp giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với kỹ thuật và ngôn ngữ của thời trang hiện đại.
Đem cổ phục tới nhà máy xe lửa
Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tập trung vào ba trụ cột chính “Thiết kế - Cộng đồng - Sáng tạo” để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô.
Trong hơn 60 hoạt động văn hóa diễn ra suốt 10 ngày lễ hội, thời trang cổ phục chính là một trong những điểm nhấn kích thích sự sáng tạo ở người trẻ và gieo vào lòng du khách những ấn tượng của văn hóa Việt.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, trên sân khấu nhà Xưởng gia công Nóng 1B - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, show thời trang “Vân Long Lưu Vũ” được trình diễn bởi hơn 40 người mẫu không chuyên, đã tái hiện lại tiến trình biến đổi của cổ phục trong giai đoạn 1900 - 1950 và cũng là lần đầu một bộ sưu tập thời trang ứng dụng hình ảnh rồng trong lịch sử Việt Nam.
15 bộ trang phục: Áo tứ thân, áo yếm, áo the (miền Bắc), áo ngũ thân lập lĩnh tay chẽn buộc khăn lươn (miền Trung), áo ngũ thân lập lĩnh tay thụng (miền Nam), áo dài cổ bèo tay bồng cổ cao thắt eo được lựa chọn trình diễn mang đậm yếu tố lịch sử phong hóa Việt.
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc từ các nghệ sĩ của Vạn Thiên Y khi sử dụng họa tiết rồng đặc trưng qua các thời kỳ từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… kết hợp với thẩm mỹ và kỹ thuật hiện đại.
Theo nhà thiết kế Coco, việc trình diễn ở phân xưởng gia công là điểm thú vị nhưng cũng là thử thách cho Vạn Thiên Y. Nó có sự tương tác giữa quá khứ và công việc thiết kế cổ phục. Chính sự kết hợp cổ phục trong không gian gia công đã đem đến những bất ngờ đối với những người yêu mến di sản văn hóa Việt.
Ngay trong buổi diễn mở màn chủ đề “Vọng Âm”, 16 nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, 30 người mẫu tới từ Vạn Thiên Y và 2 nghệ sĩ đến từ câu lạc bộ Kỵ xạ Hà Nội đã cho thấy những dấu ấn đậm nét của cổ phục đối với đời sống đương đại.
Trong màn khói mờ ảo, đôi trai gái ngồi trên lưng ngựa. Chàng là tráng sĩ, thân mặc giáp, đầu đội khăn với bộ khí giới cung tên sẵn sàng xung trận đúng như câu thơ của Huy Cận “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”; nàng là tiểu thư con nhà trâm anh thế phiệt. Đôi uyên ương lưu luyến từ biệt nhau trước khi ra trận, để rồi vinh quang trở về giữa hàng văn võ bá quan, dân chúng, tăng ni… thật hoành tráng.
Mới chỉ thành lập vào năm 2022, tuy khá non trẻ nhưng Vạn Thiên Y đã quy tụ những nhà thiết kế trẻ tâm huyết để thực hiện loạt hoạt động quảng bá văn hóa Việt thông qua thời trang và biểu diễn nghệ thuật như: Kế vãng khai lai, Trà vận nghinh xuân, đem văn hóa Việt lan tỏa đến Nam Phi (2023), triển lãm “Chạm nhẹ tới ngàn năm”, “Thăng Long Huyền Vũ”…
Bảo tồn giá trị cổ phục
Để tái sinh di sản cổ phục đã bị quên lãng, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 cũng tổ chức tọa đàm mang tên “Thời trang và di sản” vào ngày 21/11 nhằm đem đến những góc nhìn mới về ngành thời trang, trong việc kết hợp giữa bảo tồn giá trị truyền thống với kỹ thuật và ngôn ngữ của thời trang hiện đại.
Theo ban tổ chức, trong quá trình bảo tồn di sản, các giá trị truyền thống luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà thiết kế thể hiện tinh thần tự hào dân tộc. Họ là đội ngũ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và tôn vinh các nét đẹp văn hóa, lịch sử cũng như định hướng cho tương lai.
Tọa đàm là cơ hội để giới sinh viên đến từ các trường đào tạo ngành thời trang trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng vẻ đẹp và giá trị của di sản vào các sáng tạo thời trang, từ đó khơi dậy nguồn cảm hứng về văn hóa cho những nhà thiết kế trẻ.
Tọa đàm còn là cơ hội để những người làm chuyên môn đề xuất giải pháp kết hợp những giá trị truyền thống với ngôn ngữ thời trang nhằm tạo ra những bộ sưu tập mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp với thời đại.
Buổi tọa đàm đặt ra các vấn đề về việc ứng dụng thời trang như một phương tiện để thu hút sự chú ý và tạo ra tác động xã hội tích cực, thông qua việc lan tỏa thông điệp và giá trị qua thiết kế và truyền thông. Đây cũng là một phần thông điệp mà Diễn đàn sinh viên thời trang Việt Nam (trực thuộc Câu lạc bộ khối các Trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng) muốn truyền tải trong mục tiêu hành động.
Đó chính là sự kết nối hiệu quả giữa các nhà thiết kế trẻ và sáng tạo từ các cơ sở đào tạo, trở thành nơi hội tụ của những người tiên phong góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang, tạo dựng được các tên tuổi lớn trong ngành thiết kế thời trang Việt Nam sánh vai với khu vực và trên thế giới.
Từ năm 2010, khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra, một số nhóm nghiên cứu phát động phong trào cổ phục. Phong trào không hoàn toàn thất bại nhưng không nhen nhóm được niềm yêu thích cổ phục trong cộng đồng.
Năm 2021, tại Đại học Quốc gia Tp.HCM đã diễn ra “Ngày hội Việt phục Tóc xanh - Vạt áo” với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc tới sinh viên. Ngày hội có sự góp mặt của nhiều hội nhóm yêu thích về cổ phong, cổ phục Việt Nam với ba lý do cơ bản: Bảo tồn gìn giữ vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống; thể hiện sự hội nhập văn hóa; dễ tiếp cận công chúng. Cho đến nay, khái niệm cổ phục đã được giới trẻ biết đến và lựa chọn như một mối liên kết không thể thiếu trong đời sống văn hóa hiện đại.
Cổ phục Việt là khái niệm chung để nói về trang phục truyền thống Việt Nam như áo giao lĩnh, áo nhật bình, áo ngũ thân. Một số chuyên gia đề xuất gọi tắt là “Việt phục” để tương ứng với khái niệm quốc tế, như: Hàn phục (Hanbok), Hán phục và Hòa phục (Kimono Nhật Bản).
Cho đến nay, hoạt động nghiên cứu và tái hiện cổ phục tại Việt Nam chưa có sự đồng nhất, song những quan tâm của cộng đồng đã giúp phong trào cổ phục ngày càng lớn mạnh. Gõ từ khóa “cổ phục Việt”, chỉ trong 0,26 giây đã cho ra khoảng 174 triệu kết quả tìm kiếm.
T.Lâm (t/h theo giaoducthoidai, hanoionline)