Những mô hình sáng tạo
Đường Lâm, ngôi làng cổ nổi tiếng với nét đẹp bình dị và lịch sử lâu đời, không chỉ làm say lòng du khách bởi những mái nhà đá ong cổ kính hay cổng làng Mông Phụ trầm mặc, mà còn bởi sự sáng tạo đầy táo bạo đang thổi sức sống mới vào vùng đất này.
Những bàn tay khéo léo của người dân nơi đây vừa gìn giữ và biết cách làm giàu từ di sản, biến Đường Lâm thành điểm sáng trên bản đồ trải nghiệm văn hóa Việt Nam.
Gia đình ông Hà Hữu Thể (xóm Sui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) - chủ nhân một ngôi nhà gỗ hơn 300 năm tuổi đã khéo léo biến ngôi nhà của mình thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách.
Thay vì chỉ mở cửa cho khách tham quan, ông Thể đã tạo ra một không gian trải nghiệm đầy hấp dẫn từ việc giới thiệu quy trình làm tương truyền thống, đến việc tổ chức những bữa cơm mang hương vị làng quê.
"Mỗi năm chúng tôi sản xuất khoảng 5.000 - 7.000 lít tương, cung cấp cho cả đại lý và du khách. Nhưng điều khiến tôi tự hào nhất không phải là số lượng bán ra, mà là việc đưa nghề làm tương của làng đến gần hơn với mọi người.
Khi khách tận mắt thấy từng công đoạn, từ phơi đỗ, rang gạo, đến ủ tương, họ sẽ hiểu hơn về sản phẩm và trân quý giá trị văn hóa gắn liền với nó”, ông Thể chia sẻ với Người Đưa Tin.
Nhờ cách làm sáng tạo này, lượng khách đến thăm nhà ông tăng mạnh vừa giúp gia đình ông có thu nhập ổn định mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân xung quanh, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Đến với Làng cổ Đường Lâm, du khách còn được trải nghiệm mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch độc đáo như tự tay thu hoạch rau xanh, học làm những món đặc sản truyền thống như kẹo dồi, bánh gai...

Đoài Creative - không gian hấp dẫn, sáng tạo cho du khách đến Đường Lâm khám phá.
Đặc biệt, giữa không gian yên bình của Đường Lâm, Đoài Creative nổi lên như một ngọn gió mới, nơi nghệ thuật và văn hóa giao thoa, được sáng lập bởi kiến trúc sư Khuất Văn Thắng.
Chia sẻ về lý do gắn bó với Đường Lâm, ông Thắng tâm sự: "Đường Lâm bình dị, thân thuộc khiến tôi muốn làm điều gì đó để giữ gìn nơi đây. Qua thời gian, tôi nhận ra những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một, đó là lúc tôi quyết định sáng lập Đoài Creative, với sứ mệnh hồi sinh và phát triển các giá trị này bằng sự sáng tạo".
Trên nền một dãy ki-ốt cũ từng là tiệm sửa xe, ông đã cải tạo thành một không gian văn hóa đầy ấn tượng. Ngôi nhà được thiết kế mở cả hai chiều, với mặt tiền hướng ra đường và mặt sau nhìn ra sân rộng rãi, nơi ánh sáng tự nhiên hòa quyện cùng kiến trúc mộc mạc.
Những chiếc ngói cổ, viên gạch cũ hay cánh cửa gỗ ngày xưa được ông Thắng thu gom lại để làm nguyên liệu nghệ thuật.
Du khách có thể thử sức vẽ tranh trên ngói, nặn đất hay thậm chí sáng tác một món đồ thủ công của riêng mình. Khi hoàn thành, họ mang theo “tác phẩm” như một phần của Đường Lâm trở về, một kỷ vật đậm chất làng quê Việt.
"Từ khi Đoài Creative đi vào hoạt động, không gian này đã đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm, chủ yếu là các gia đình trẻ và nhóm bạn yêu thích nghệ thuật. Mỗi người đến đây đều mang một cảm xúc rất riêng.
Có người hồi hộp khi lần đầu cầm cọ, có người phấn khích vì tạo ra tác phẩm mình chưa từng nghĩ tới. Nhưng điểm chung là họ rời đi với nụ cười và một chút lưu luyến. Điều đó khiến tôi cảm thấy công sức mình bỏ ra thực sự ý nghĩa", vị kiến trúc sư chia sẻ.


Đến với Đoài Creative, du khách có thể thử sức vẽ tranh trên ngói, nặn đất hay thậm chí sáng tác một món đồ thủ công của riêng mình.
Để làm phong phú thêm hành trình khám phá, từ tháng 5/2024, UBND xã Đường Lâm và Ban quản lý Di tích đã khởi động tour “Đêm làng cổ”. Cứ vào mỗi tối thứ Bảy, không gian tại cổng làng Mông Phụ trở nên nhộn nhịp như một ngày hội. Người dân bày bán đặc sản như bánh chè lam, kẹo lạc, bánh gai, gà mía. Đồng thời trình diễn nghệ thuật dân gian như hát quan họ, múa rồng và nhảy sạp.
“Đêm làng cổ không những tạo không khí sôi động, mà còn là cơ hội để người dân quảng bá sản vật địa phương, nâng cao thu nhập và giữ gìn nét văn hóa truyền thống. Sản phẩm này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách trong và ngoài nước”, bà Phạm Thị Lệ Thủy - Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho hay.
Theo bà Thủy, sau bảy tháng triển khai hoạt động này không chỉ thu hút hàng trăm du khách lưu trú qua đêm mỗi tuần mà còn tạo sinh kế bền vững cho hơn 50 hộ dân.
Ngoài ra, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm cũng tích cực kết nối với các khu nghỉ dưỡng lân cận, mang đến trải nghiệm khép kín từ tham quan, nghỉ dưỡng đến khám phá văn hóa địa phương.
Công nghệ số đưa làng cổ Đường Lâm đến gần hơn với du khách
Điều làm nên sức sống mới cho Đường Lâm chính là việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch. Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đã phối hợp cùng đội ngũ trẻ am hiểu công nghệ, sản xuất hàng loạt video ngắn giới thiệu nét đẹp văn hóa, ẩm thực và các hoạt động trải nghiệm tại làng.
Những clip này được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok, thu hút hàng nghìn lượt xem và chia sẻ, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho hay sức mạnh công nghệ đã thay đổi cách làm du lịch ở nơi đây.
"Nhờ các chiến dịch truyền thông số, lượng khách biết đến Đường Lâm qua mạng xã hội chiếm 30-40%. Điều này cho thấy tiềm năng vô cùng lớn khi chúng ta kết hợp bảo tồn di sản với xu thế hiện đại. Năm 2023, chúng tôi đón hơn 70.000 lượt khách chỉ tính riêng tại làng cổ, góp phần quan trọng vào con số 1,2 triệu lượt khách của toàn Sơn Tây", vị Chủ tịch nói.
Điểm nổi bật trong chuyển đổi số của Đường Lâm là hệ thống mã QR được gắn tại mỗi di tích. Với một thao tác quét mã đơn giản, du khách có thể truy cập thông tin chi tiết về từng địa điểm qua công nghệ hình ảnh 360° hiện đại.
Đặc biệt, phần thuyết minh được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp nội dung bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, giúp trải nghiệm tham quan trở nên thú vị và trực quan hơn.

Bản đồ số Đường Lâm với các địa điểm chủ chốt, kèm theo mã QR. Du khách sẽ dễ dàng nhận diện những điểm tham quan đặc sắc của làng.
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý Làng cổ, chia sẻ: "Chúng tôi đã tích hợp mã QR với các nền tảng mạng xã hội để du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin. Ngoài ra, làng cổ cũng đã in ấn bản đồ số Đường Lâm với các địa điểm chủ chốt, kèm theo mã QR. Cầm tấm bản đồ trên tay, du khách sẽ dễ dàng nhận diện những điểm tham quan đặc sắc của làng".
Cùng với đó, Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với các tổ chức và phòng ban chuyên môn của thị xã Sơn Tây để quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm ẩm thực, tổ chức những hoạt động trải nghiệm phong phú.
Không dừng lại ở công nghệ, Đường Lâm còn phối hợp với các công ty lữ hành để thiết kế những tour trải nghiệm độc đáo, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế. Các hoạt động như tham gia chợ Mía, tự tay chế biến món ăn truyền thống hay nghỉ tại các homestay trong làng đã tạo ấn tượng mạnh mẽ.
Bà Vũ Thị Thùy Linh - Giám đốc Công ty TNHH VP Travel, nhận định: "Sự đổi mới tại Đường Lâm không chỉ nằm ở việc ứng dụng công nghệ mà còn ở cách người dân giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Những tour sáng tạo này đang rất được lòng du khách quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng lượng khách cuối năm 2024 sẽ tăng 50% so với năm ngoái".
Chuyển đổi số giúp Đường Lâm nâng cao chất lượng du lịch, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng. Nhờ sự thay đổi này, người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định từ các hoạt động dịch vụ, từ đó cải thiện đời sống và tạo đà phát triển bền vững.