Đen: Nhìn công trình gần trăm tỷ vừa xây xong đã bị băm nát mà tiếc.
Đá: Lại có người cả gan "đốt" tiền "chùa" chăng?
Đen: Điều đó suy xét sau. Chỉ tiếc tiền thôi.
Đá: Công trình công cộng à?
Đen: Tất nhiên. Ông đã thấy ai thò tay túi mình móc tiền ra lãng phí chưa.
Đá: Hết thời công tử Bạc Liêu rồi. Nhưng sự việc cụ thể là gì, ở đâu?
Đen: Công trình kè biển ở Tam Quan (Bình Định).
Đá: À, có lẽ sóng lớn, gió to, bão nổi khiến bờ kè bị sụt lún.
Đen: Ý hay, giỏi bao biện. Nhưng thưa ông, vấn đề thuộc về kỹ thuật, nhà đầu tư, giám sát phải đảm bảo chớ.
Đá: Tại bờ kè trơ cùng mưa nắng, thời tiết khắc nghiệt... ai mà lường.
Đen: Số tiền chính xác là 80 tỷ. Ném vào công trình, hiệu quả quá tệ hại.
Đá: Kể cũng lớn. Chắc dư luận gay gắt lắm?
Đen: Đúng vậy. Nhưng cách xử lý càng khiến người dân bức xúc.
Đá: Lại "trách nhiệm tập thể" à?
Đen: Chính quyền địa phương và một số đơn vị có tên, địa chỉ hẳn hoi phải chịu trách nhiệm.
Đá: Vậy thì "quy" đi, quá dễ.
Đen: Không đơn giản như ông nghĩ đâu.
Đá: Họ “phủi tay”, đổ vấy, quấy quá chăng?
Đen: Chủ đầu tư chỉ xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm...
Đá: Phần hỏng hóc thì sao?
Đen: Tiếp tục xin ngân sách để khắc phục!
Đá: Ai cũng hiểu tác động của sóng, thuỷ triều là mạnh mẽ, là xói mòn, xâm thực bờ…
Đen: Vậy nên công trình gần trăm tỷ, hư hỏng, vỡ nát, không chỉ kiểm điểm là xong...
Đá: Ngân sách không phải tùy tiện, thích "xin" là được.
Đen: Dân bảo, "kinh nghiệm mấy anh rút, vậy còn tiền ai rút"?
Đá: Cần xác định lỗi ở khâu nào, phê duyệt thiết kế, thi công, sai khâu nào phải quy trách nhiệm nghiêm khắc.
Đen: Kè biển chắn sóng, mà lại đổ thừa tại sóng làm hư, cứ như chuyện con nít.
Đá: Công trình mới 1 năm mà tan hoang. Không thể chối bỏ trách nhiệm.
Đ.Đ