Chiều 21/9, tại TP.Đà Nẵng, cục Quản Lý Khám Chữa Bệnh Việt Nam kết hợp với hội Hô hấp Việt Nam, hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam cùng Tập đoàn dược và dược phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca tổ chức công bố chương trình Vì lá phổi khỏe từ năm 2017 - 2020. Đây là sự kiện song hành cùng Hội nghị Khoa học thường niên hội Hô hấp Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 22 và 23/9.
GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch hội Hô hấp Việt Nam cho biết, theo thống kê, bệnh hen đang ảnh hưởng đến 315 triệu người trên toàn thế giới, riêng châu Á – Thái Bình Dương hơn 107 triệu người. Bệnh hen gây ra hơn 346.000 ca tử vong và 13,8 triệu người sống với bệnh tật mỗi năm.
Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh hen chiếm 4,1% dân số, trong đó, trẻ em từ 12 - 13 tuổi có tỷ lệ hen suyễn cao nhất châu Á; Tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức trung bình đến nặng ở bệnh nhân trên 35 tuổi cũng đang cao nhất khu vực và có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người 40 tuổi được thống kê chiếm 4,2% dân số, trong đó, tỷ lệ ở nam là 7,1%, nữ là 1,9%. Trong 4,1% dân số, tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại miền Bắc là 5,7%, miền Trung là 4,6% và miền Nam là 1,9%.
Ngoài thuốc lá và nhiên liệu sinh học, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bệnh lao phổi đã góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam.
Vị giáo sư này cho biết thêm, bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nói riêng, các bệnh hô hấp nói chung vẫn chưa được chú trọng đúng mức tại Việt Nam. Tỷ lệ bệnh hen tại Việt Nam chiếm 4,1% dân số, tuy nhiên chỉ có 29,1% bệnh nhân hen dùng thuốc điều trị duy trì và 39,7% bệnh nhân được kiểm soát hen tốt.
Chương trình Vì lá phổi khỏe sẽ tài trợ 1 triệu USD thành lập 150 phòng quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú trên cả nước. Các phòng khám này sẽ hỗ trợ năng lực chuyên sâu về khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, góp phần làm giảm số ca mắc, tàn tật, tử vong do hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế y tế tại Việt Nam.