Trong danh sách các nghệ sĩ được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10 có tên nghệ sĩ Trần Lực.
Anh được ghi nhận sau những cống hiến nổi bật ở cả hai vai trò diễn viên và đạo diễn, cũng như hành trình sáng tạo miệt mài trong suốt hơn 40 năm làm nghề.
Đạo diễn Trần Lực sinh năm 1963 tại Hà Nội, khởi nghiệp là một diễn viên nhưng anh lại nổi tiếng và được nhiều người yêu thích hơn khi trở thành đạo diễn điện ảnh. Nam đạo diễn tài hoa được sinh ra trong cái nôi nghệ thuật.
Gia đình anh có rất nhiều người làm nghệ thuật và là nghệ sĩ nổi tiếng tại Hà Nội. Bố anh là cố NSND Trần Bảng, mẹ là NSƯT chèo Trần Thị Xuân, ông nội là nhà văn Trần Tiêu (em trai của nhà văn Khái Hưng).
Trước khi nổi tiếng, Trần Lực từng làm diễn viên trong đoàn Tổng cục Hậu cần, tuy vậy khi đó anh chưa được giao vai chính. Năm 1983, anh tham gia học lớp đạo diễn sân khấu và tu nghiệp 7 năm ở Bulgaria.
Sau khi về nước, sự nghiệp của Trần Lực dần thăng tiến. Anh để lại ấn tượng với nhiều thế hệ khán giả qua những vai diễn trong các phim Chuyện tình bên dòng sông, Hoa ban đỏ, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong...
Có thời, cái tên Trần Lực trở thành định nghĩa của vẻ điển trai, nam tính. Anh sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, trở thành tâm điểm của các dự án lớn nhỏ.
Trần Lực từng mở một hãng phim tư nhân lấy tên là Đông A và trở thành đạo diễn. Ở vị trí này, anh có các tác phẩm nổi bật như: Chuyện nhà Mộc, Cocktail cho tình yêu, Tivi về làng, Tết này ai đến xông nhà, Đầu bếp và đại gia...
Thời gian gần đây, Trần Lực gây sốt với khán giả khi hóa thân thành nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong tác phẩm "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Để có thể hóa thân thành công vai diễn này, diễn viên phải có diễn xuất tốt, nói được giọng Huế, biết đàn và hát, đạo diễn Nhật Linh chia sẻ. Dù là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng xét về ngoại hình và giọng nói của diễn viên Trần Lực thì lại không phù hợp với vai Trịnh Công Sơn.
Vì vậy, Trần Lực đã phải học nói giọng Huế, học cả tiếng Pháp và nghiên cứu từ thần thái cho đến cách ăn nói, đi đứng,... từng chi tiết một của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Thậm chí anh còn nuôi tóc dài, ép mình vào chế độ ăn kiêng giảm hẳn 10kg sao cho giống với nhân vật. Đến độ khi Trần Lực cất tiếng hát, nhạc sĩ Đức Trí người từng làm việc rất nhiều với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bất ngờ thốt lên rằng: "Cứ như thấy chú Sơn trước mặt". Điều này cho thấy diễn viên Trần Lực đã nỗ lực và thành công đến nhường nào.
Trần Lực lập gia đình lần đầu tiên khi ở tuổi ngoài 20, với người vợ đầu tiên tại Bulgaria. Trái ngọt của cuộc hôn nhân này chính là cậu con trai Trần Hoàng.
Anh từng kể: "Ngày đó, chúng tôi cưới nhau rất hồn nhiên, cả hai vợ chồng đều là sinh viên tự làm đám cưới không có ông bà, bố mẹ hay họ hàng thân thiết chứng kiến chỉ có bạn bè đến chung vui rồi nhảy múa tưng bừng. Hai vợ chồng trẻ mới 26 tuổi chưa có kinh nghiệm còn phải mua sách về học cách chăm sóc, mỗi lần làm gì lại phải giở từng trang".
Năm 1991, cuộc hôn nhân tan vỡ, Trần Lực mang con trai về nước. Một thời gian dài sau đó, anh kết hôn với người vợ thứ hai - biên tập viên nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài được 3 năm thì tan vỡ, gây xôn xao trong dư luận.
Trải qua nhiều đổ vỡ và lận đận trong hôn nhân, đến nay diễn viên Trần Lực hạnh phúc viên mãn bên người vợ thứ ba tên là Bùi Mỹ Trang, họ có với nhau 3 người con ngoan ngoãn, kháu khỉnh.
Nhìn lại cuộc đời, NSƯT Trần Lực dí dỏm nói rằng, "ba lần lên xe hoa là hơi nhiều" nhưng cái số đã bắt anh phải vậy. Ở tuổi 60, anh sống vui vẻ, tích cực. "Hiện tại, tôi chỉ mong gia đình khỏe mạnh, sống lành mạnh, vui vẻ, thoải mái", anh chia sẻ.
T.Lâm (t/h)