Các tài xế xe tải của công đoàn Hàn Quốc mới đây đã kết thúc cuộc đình công sau khi chính phủ nước này đồng ý gia hạn quy định bảo đảm lương tối thiểu, ban đầu được ấn định sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU), người lao động thuộc tổ chức Đoàn kết công nhân vận tải hàng hóa (CTS) gồm 22.000 thành viên đã biểu tình từ ngày 7/6.
Họ muốn yêu cầu chính phủ Hàn Quốc gia hạn Hệ thống cước vận chuyển hàng hóa an toàn, vốn được áp dụng từ năm 2020 nhằm giảm bớt nguy hiểm trong công việc cho các tài xế xe tải và đảm bảo mức giá cước tối thiểu cho tài xế. Hệ thống này dự kiến kết thúc theo kế hoạch vào ngày 31/12 năm nay.
Cho đến cuối ngày 14/6, đại diện của tổ chức Đoàn kết công nhân vận tải hàng hoá và các quan chức của Bộ giao thông vận tải Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận và kết thúc cuộc biểu tình kéo dài hơn một tuần, gây tê liệt hoạt động sản xuất và sự lưu thông hàng hóa tại các trung tâm công nghiệp lớn.
Các nhà lãnh đạo công đoàn cho biết chính phủ đã đồng ý giữ nguyên quy định lương tối thiểu của tài xế xe tải, cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục để mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả những loại hình vận tải hàng hóa khác.
Cả 2 bên đều không nêu rõ thời gian gia hạn, nhưng hãng tin KED Global trích dẫn thông tin từ quan chức trong ngành cho biết Hệ thống cước vận chuyển hàng hóa an toàn có thể sẽ được duy trì trong 3 năm nữa.
Bộ Giao thông sẽ báo cáo kết quả đàm phán với các công ty vận tải công đoàn lên Quốc hội bởi bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống cước đã quy định đều cần phải sửa đổi các luật liên quan.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, cuộc biểu tình đã làm trì trệ các chuyến hàng từ ô tô đến thép, xi măng và hóa dầu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đồng thời khiến quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu này thiệt hại hơn 1,6 nghìn tỷ won (1,2 tỷ USD) do sản lượng sụt giảm và không hoàn thành việc giao hàng kịp yêu cầu.
Vào đầu tuần này, các nhóm vận động hành lang trong ngành cho biết cuộc đình công của hãng xe tải đã khiến Hyundai Motor Co, Kia Corp và các nhà sản xuất ô tô khác thiệt hại khoảng 257 tỷ won, theo thông tin từ KED Global ghi nhận.
Công ty thép POSCO và 6 nhà sản xuất thép địa phương khác đã phải gánh chịu khoản lỗ tổng cộng lên tới 1,15 nghìn tỷ won kể từ khi bắt đầu cuộc đình công bắt đầu vào tuần trước.
Phạm Hà Thanh (theo Ked Global, Yonhap)