Theo viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc Gia (NIOSH), Hoa Kỳ, những tài xế lái xe như taxi và chuyển phát có nguy cơ bị sát hại trong lúc làm việc cao gấp 60 lần những nghề khác. Đồng thời, tài xế lái xe còn là nghề nguy hiểm, có tỷ lệ bị hành hung rất cao, hơn cả nghề cảnh sát và nhân viên bảo vệ.
Trước tình trạng các tài xế lái xe bị hành hung và sát hại mỗi năm, Cơ quan An toàn Nghề nghiệp và Sức khỏe Hoa Kỳ (OSHA) đã bày tỏ quan ngại và cung cấp cho những tài xế lái xe thông tin thiết thực để họ có thể giữ an toàn khi đang làm việc. OSHA nêu rõ những yếu tố nguy hiểm mà các tài xế có thể sẽ phải đối mặt, từ đó có những phương pháp để tự bảo vệ bản thân. Đồng thời cũng chỉ rõ về trách nhiệm của công ty chủ quản và quyền lợi người lao động theo đúng Đạo luật An toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.
Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia (NIOSH) đưa ra những yếu tố đẩy người lái xe vào nguy hiểm trong khi làm việc là: Làm việc ở nơi công cộng, sử dụng tiền mặt, làm việc một mình, làm việc vào ban đêm, làm việc trong khu vực có tỷ lệ tội phạm cao.
Những biện pháp an toàn được NIOSH khuyến nghị:
- Sử dụng định vị GPS cho mỗi tài xế.
- Trang bị bộ dụng cụ sơ cứu cho những trường hợp khẩn cấp.
- Lắp đặt camera an ninh trong xe để giám sát các hành động của khách hàng, phòng trường hợp bị khách hàng tấn công, hành hung hoặc bỏ trốn.
- Sử dụng những tấm chắn ngăn cách giữa vị trí của tài xế và vị trí của khách hàng.
- Phối hợp với cảnh sát để theo dõi vị trí tội phạm.
- Luôn bật bộ đàm để thông báo những trường hợp khẩn cấp.
- Thanh toán bằng thẻ tín dụng để tránh trường hợp bị cướp tiền mặt và bị khách bỏ trốn, không trả tiền.
- Sử dụng những tín hiệu cảnh báo không phát ra tiếng động để cảnh báo người khác trong những trường hợp nguy hiểm.
Tại Singapore, những tài xế taxi đều được trang bị những nút bấm giúp tài xế có thể kết nối với đường dây nóng 24/24.
Trước khi được cấp bằng lái xe, những tài xế sẽ được học cách đối phó với những cơn tức giận trong khi làm việc.
Tại học viện đào tạo Taxi ở Singapore, học viên sẽ được cung cấp giáo trình bao gồm các kỹ năng giao tiếp như nói ít nhưng đủ ý để tránh mất nhiều thời gian và gây mâu thuẫn với khách hàng.
Hãng taxi Trans Cab đang thăm dò về việc sẽ tập huấn cho các học viên phương pháp đối phó với hành khách bạo lực.
Những tài xế lái xe buýt ở nước này cũng được đào tạo trong học viện đào tạo lái xe buýt Singapore, các khóa học đối phó với những sự cố khi làm việc sẽ được đưa vào chương trình học.
Nhà điều hành xe buýt Go-Ahead cho rằng học viện có thể xem xét thêm các bài học về kỹ năng tự vệ cho tài xế xe buýt.
Trong khi đó, học viên của SBS Transit được trang bị nút khẩn cấp để cảnh báo với thanh tra giao thông trong những trường hợp nguy hiểm.
Tại một khóa học đào tạo học viên lái xe được quan sát bởi Channel NewsAsia, hướng dẫn viên chỉ cho các học viên cách đối đáp với những hành khách để bảo vệ cho chính mình: “Đừng nâng cao giọng hoặc mất bình tĩnh khi đối phó với những khách hàng thô lỗ. Đừng thách thức khách hàng hoặc hoặc đánh đấm với họ”.
Các công ty xe buýt thường chi trả các chi phí y tế khi tài xế bị tấn công, và làm việc với liên minh Công nhân Giao thông Quốc gia (NTWU) để báo cáo các trường hợp cho chính quyền.
Ở thành phố Cairo, Ai Cập, hình thành một hãng taxi với tên gọi Pink Taxi, bao gồm toàn bộ tài xế nữ. Dịch vụ taxi của hãng này đảm bảo sự riêng tư và an toàn cho hành khách. Khách đi xe phải đặt trước bằng cách scan thẻ căn cước cho hãng. Taxi được trang bị thêm camera và micro để ghi âm và hình. Tuy nhiên giá đi taxi khá đắt và hãng chỉ hoạt động trong phạm vi thành phố Cairo.
Việc sử dụng tấm chắn bảo vệ là cách hữu hiệu để bảo vệ tài xế tránh khỏi những khách hàng bạo lực. Phương pháp này đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc.
Hà Trang