Những chuyện toát mồ hôi hột
Sau chuyến công tác, tôi về đến Hà Nội khi đã quá nửa đêm. Mệt mỏi bắt chuyến taxi từ bến xe Mỹ Đình về Bát Tràng (Hà Nội), nghĩ tới quãng đường gần ba chục cây số giữa đêm khuya thanh vắng càng khiến chuyến trở về càng thêm lê thê.
Hà Nội đêm khác hẳn bộ mặt đông đúc, "cau có" ban ngày thay vào đó chỉ có những hàng bằng lăng tim tím đung đưa nhè nhẹ, lá ướt đẫm sương đêm. Dường như để đoạn đường bớt dài, người lái taxi khoảng ngoài 20 tuổi chủ động bắt lời, phá đi sự im lặng: "Chị đi đâu mà về muộn thế?".
Cũng tưởng hỏi qua quýt, tôi nói vài lời cho xong. Người tài xế đó tên Hùng, quê ở Nam Định. Nói về chuyện làm ăn của mình, anh thở dài cái thượt. Theo lời người này, bây giờ kinh tế khó khăn, taxi là nghề "chết đầu tiên".
Người ta ít đi taxi hơn để tiết kiệm chi tiêu, các hãng thì dùng nhiều chiêu trò để làm hại hãng khác. Và rằng, anh ta làm ban ngày chẳng đủ nên đành phải chạy thêm cuốc ban đêm, dù biết làm đêm có rất nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Bất chợt, thông tin ở câu chuyện tiếp sau làm tôi tỉnh cơn mơ màng. "Sao cơ, anh nói gì?", tôi choàng hỏi. "Ơ thì, em vừa kể với chị chuyện em phải vừa đỡ đẻ cho một chị, cũng vào tầm này”. Thấy tôi vẫn chưa hết ú ớ, Hùng nói vẻ phân trần: "Cái nghề taxi thì gặp nhiều loại người và chứng kiến cũng lắm cảnh oái oăm. Bản thân em cũng nhiều lần phải rơi vào hoàn cảnh khóc dở mếu dở, ngay như chuyện đỡ đẻ thôi, tưởng khó khăn lắm nhưng hóa ra cũng... đơn giản?!".
Ảnh minh họa.
"Đỡ đẻ mà chỉ đơn giản à?". "Chuyện đâu xa, cũng tầm này hôm qua em chở khách từ bến xe Mỹ Đình về phố Pháo Đài Láng đi qua đoạn Nguyễn Chí Thanh thấy có đôi vợ chồng đang đứng đợi taxi. Người vợ thì đang "đeo ba lô ở bụng" (có bầu- PV) tay giằng kéo áo chồng làm tung hết cả hàng cúc, anh chồng nhìn xộc xệch lắm.
Nhưng ám ảnh nhất là ánh mắt nhớn nhác như cầu cứu một chiếc xe taxi đến "vớt" đi viện. Nhìn là em biết ngay cặp này đang đợi xe để chở đến bệnh viện đẻ. Mấy chiếc taxi không có khách vượt lên mặc cho người chồng ra sức vẫy đến mỏi tay. Sau khi đưa khách đến nơi, em vòng xe về vẫn thấy người vợ mặt nhăn nhó vừa túm áo chồng giật lấy giật để, vừa đứng lên ngồi xuống, uốn éo như người tập aerobic. Em biết cặp này không có xe nào chịu chở.
Ngoài bọn ăn trộm, quỵt tiền, cánh lái taxi tụi em rất sợ chở bà đẻ. Nhiều người cho rằng chở bà đẻ sẽ bị “đen” trong chuyện làm ăn, người thì ngại chuyện chị em vỡ ối, nước và máu chảy đầy xe, công cán chẳng được là bao lại mất buổi sáng hôm sau tốn tiền đi rửa xe"
Trong suốt mấy năm lái taxi Hùng từng chở trên dưới mười bà đẻ. Có lần, người vợ đau quá cầm chặt tay chồng rồi đưa lên miệng cắn ngấu nghiến. Anh chồng đau quá rút tay lại nhưng trên cánh tay máu đã chảy ra thành dòng. Chị vợ mắt vẫn nhắm nghiền lại kêu la, tay lại vịn vào ghế cào, véo...
Người lái xe tiếp tục mạch tự hào đỡ đẻ của mình khi hồi tưởng lại những lần đưa một cặp đôi còn rất trẻ vào bệnh viện. "Bạn bè em cũng nhiều ông dính "quả" làm phúc này. Thằng Hải bên taxi C nó ám ảnh đến mấy năm chuyện một cô gái và chàng trai chỉ gần 20 tuổi vào viện Phụ sản Hà Nội. Suốt quãng đường, cô gái đấm vào lưng chồng thùm thụp, miệng liên hồi trách móc: "Tại anh mà giờ tôi khổ thế này đây...".
Anh chồng cũng chẳng vừa, quay sang đôi co lại. Cô vợ mặt nhăn nhó vì đau nhưng cũng không chịu nhường chồng lấy một câu. Hai người lời qua tiếng lại chí chóe suốt đoạn đường gần chục km. Tưởng tượng tới dáng cô vợ người nhỏ như cái kẹo xiêu vẹo vác cái bụng to như cái trống vào bệnh viện, lẽo đẽo theo sau là anh chồng tóc nhuộm đỏ xách theo cái làn đựng tã lót mà em lại toát hết mồ hôi hột", Hùng tâm sự.
Cuộc vượt cạn trong đêm
Tình người là trên hết Hùng đã lái taxi đi qua, nhưng rồi nghĩ câu mẹ vẫn nói "chửa cửa mả" nên anh đành lùi xe lại. Trong cơn đau đẻ nhưng ánh mắt của người phụ nữ vẫn ánh lên sự biết ơn như vừa qua được một việc khó khăn trên hành trình vượt cạn. Trong suốt quãng đường, người vợ la hét liên hồi, tay cấu véo vào người chồng. Anh chồng ngồi im chẳng biết làm sao, lúng túng như gà mắc tóc. |
Hùng kể, chuyện những người phụ nữ trách móc, hành hung chồng khi mang bầu không phải hiếm. "Có lẽ mấy chị ấy đau quá không biết làm cách nào nên đổ tội cho người làm ra cái bụng ấy", Hùng tâm sự.
Anh nói, nghe họ gào thét nhiều không sợ bằng chuyện họ vỡ nước ối trên xe: "Trời ơi, em đã mấy lần "dính" vụ vỡ nước ối rồi đó. Tự nhiên, họ gào ầm lên "vỡ nước ối rồi" thế là em cuống quýt tìm đường nào nhanh nhất để đưa họ tới bệnh viện. Trong xe hoảng loạn, sản phụ thì kêu gào ầm ĩ, người nhà thì giục phóng xe nhanh lên, còn mình thì vừa phải đi ngược chiều vừa nhìn công an.
Đưa họ đến được bệnh viện mình cũng như trút được cả “tạ” mồ hôi đang gánh trên người. Oải nhất là nhìn lại cái xe... nhoe nhoét nước trên sàn, trên ghế. Báo hại một buổi đi rửa xe, xì khô nội thất. Tiền công taxi chẳng đủ trả tiền rửa xe".
Thế nhưng chuyện vỡ nước ối trên xe chưa phải là chuyện sợ nhất mà Hùng từng trải qua. Cho đến bây giờ, Hùng vẫn không thể quên chuyến xe ban đêm trong một ngày mùa đông hơn một năm.
Đêm hôm đó, trời khá rét, Hùng nhớ mang máng đó là đợt rét đầu mùa. Anh lòng vòng qua vài tuyến phố đón khách, tự nhủ, nếu không có sẽ về điểm trực để đỗ xe, ngả lưng sau một ngày dài đưa khách đi đường xa. Đi được một đoạn, nhìn bên vỉa hè thấy có một người phụ nữ ngồi mà như bò ra đường, bên cạnh là một cái làn nhựa khá lớn.
Thấy có bóng taxi chị vẫy tay. Tạt vào anh mới biết đó là một phụ nữ đang lên cơn đau đẻ dữ dội. "Bế chị ấy lên xe tôi đã có linh cảm xấu, trong đầu thoáng nghĩ, có khi chị này đẻ trên xe mình mất". Chị ấy thều thào: "Tôi vỡ nước ối non, trước dự kiến sinh hơn một tháng trời. Chồng tôi chưa về kịp. Tôi không có người thân, họ hàng ngoài Hà Nội. Nói gở miệng, có việc gì xảy ra, anh giúp mẹ con tôi với".
Trên suốt đoạn đường, chị ấy kêu than vật vã, mồ hôi chảy thành dòng, chiếc khăn quàng cổ màu tím ướt sũng một đoạn quấn quanh cổ. "Em liên tục trấn an cho chị yên tâm. Nhưng bỗng chị ấy hét lên một tiếng rồi tắt lịm. Em sợ quá, tạt ngay xe vào lề đường, ngó xuống thì thấy mặt chị ấy tái mét. "Nó ra rồi", chị ấy thều thào nói. Lúc này em như chết đứng. Em chưa có gia đình, đến cả chuyện hôn bạn gái còn ngượng. Vậy mà giờ đây em đang đứng trước một cảnh mà trong tưởng tượng cũng chưa biết phải làm sao", Hùng kể lại.
Thấy người mặc đồng phục lái taxi đưa sản phụ vào bệnh viện một mình nhiều người nhà bệnh nhân trầm trồ, thậm chí có người ra bắt tay, xin chụp hình. "Cũng kể từ đấy, em được anh em trong công ty đặt cho biệt danh là Hùng "bà đỡ". Cũng theo lời Hùng, kể từ đó, anh thường truyền thụ kinh nghiệm cho các anh em lái taxi khác những kinh nghiệm sơ đẳng trong chuyện đỡ đẻ và các liệu pháp sơ cứu phòng trừ trường hợp như mình gặp phải.
"Em tin là xã hội có nhiều người tốt và sẵn sàng giúp đỡ người đang khó khăn. Vì dù sao đó cũng là tính mạng con người, đúng không chị. Cứu một mạng người, bằng xây bảy tòa tháp mà", Hùng hấp háy mắt nói khi chào tạm biệt tôi.
"Bà đỡ" bất đắc dĩ Hùng nói, nhìn thấy đứa trẻ trong xe, anh đứng ngẩn tò te, khi người phụ nữ nhờ lấy khăn trong làn lau mặt, mũi cho cháu bé khỏi ngạt anh mới vội vàng làm theo. Đường đến bệnh viện còn khá xa, anh vội gọi cho người chị họ xa làm y tá trong bệnh viện huyện. Qua điện thoại chị hướng dẫn anh tìm trong đống đồ đạc của sản phụ một chiếc kéo, bông băng và dụng cụ sát trùng. May thay sản phụ này chuẩn bị khá đầy đủ. Anh cắt rốn, băng bó lại và ủ ấm em bé vào trong một chiếc chăn nhỏ. Ngày trước anh có nghe mọi người nói, nếu sinh ra em bé không khóc thì phát vào mông để em bé khóc, bắt đầu hoạt động hô hấp. Anh liền áp dụng, em bé khóc thét lên. Chưa bao giờ anh thấy niềm vui vỡ òa đến vậy. Sau đó anh nhanh chóng đưa hai mẹ con vào bệnh viện. Nhờ sự giúp đỡ của bác sỹ, hai mẹ con cháu bé đã được chăm sóc tốt. |
Thành Huế