Anh Nguyễn Văn Hoàng, tài xế taxi hãng Mai Linh cho biết, sáng 20/4, khi đang lái xe trên đường Hoàng Văn Thụ (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), anh nhìn thấy một thanh niên giật túi xách của người phụ nữ đang đi bộ rồi phóng xe chạy.
Phát hiện vụ việc, anh Hoàng ngay lập tức đánh lái, tông thẳng vào xe tên cướp, khiến người này cùng xe máy văng lên lề đường. Kẻ xấu nhanh chóng đứng dậy và nhảy lên xe đồng bọn tẩu thoát.
“Khi đó tôi rất lo lắng vì phải bảo vệ tài sản của công ty, phần do xe mình là ôtô, đâm vào lỡ gây tai nạn nghiêm trọng; dù là cướp họ cũng có cuộc sống, gia đình. Tuy nhiên, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ, tôi chứng kiến toàn bộ sự việc nên quyết định lao xe về phía tên cướp”, anh Hoàng chia sẻ.
Tài xế Hoàng cho hay, tên cướp đã chạy thoát nhưng anh may mắn giành lại túi xách, bên trong chứa tiền và nhiều giấy tờ quan trọng cho nạn nhân. Theo tài xế này, người phụ nữ bị cướp đang vội tìm xe đến sân bay. Anh Hoàng sau đó đã đến Công an phường 2, quận Tân Bình trình báo.
Liên quan đến những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đưa ra quan điểm: "Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định về trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.
Hành vi của anh lái xe taxi, cũng như bất cứ người dân nào tham gia bắt giữ đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật là việc làm đáng được tuyên dương và được pháp luật cho phép. Đây là trường hợp bắt người phạm tội quả tang được quy định tại Điều 82, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
Theo đó, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Luật sư Thơm lưu ý: "Tuy nhiên việc bắt giữ các đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tránh việc làm quá mức cần thiết, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình, người xung quanh và đối tượng phạm tội.
Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Điều 20, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định".
Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích cụ thể: "Xét hành vi của anh Hoàng điều khiển xe ô tô taxi trực tiếp đâm thẳng vào đối tượng phạm tội cướp giật tài sản là hành vi thái quá mức cần thiết, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng và có thể còn gây ảnh hưởng đến cả những người dân đi trên đường. Tính mạng, sức khỏe của con người là điều cao quý nhất của con người.
Kể cả các lưc lượng thực thi pháp luật khi truy bắt người phạm tội cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật và không được xâm đến tính mạng sức khỏe người phạm tội, trừ những trường hợp tình thế cấp thiết hoặc phòng vệ chính đáng. Ví dụ, đối tượng cầm hung khí nguy hiểm (dao, súng,…) chống trả lại thì mới được phép sử dụng các phương tiện, công cụ, vũ khí để trấn áp bắt giữ đối tượng. Rất may, trong vụ việc này, đối tượng phạm tội chỉ bị thương nhẹ nên đã đứng dậy bỏ chạy.
Hành vi của anh Hoàng khi tham gia bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang cướp giật tài sản đều được coi là người thi hành công vụ. Bởi lẽ công dân vì lợi ích chung của xã hội mà sử dụng công cụ, phương tiện giúp cho các cơ quan pháp luật ngăn chặn hoặc truy đuổi băt người phạm tội thì cũng được coi là người thi hành công vụ.
Trong trường hợp, nếu anh Hoàng điều khiển xe ô tô đâm thẳng vào đối tượng cướp giật tài sản mà gây thương tích nặng hay tử vong sẽ bị xử lý tương ứng theo hậu quả được quy định tại Bộ luật hình sự như sau:
Nếu gây thương tích cho đối tượng từ 31 % theo kết quả giám định của cơ quan chuyên môn thì có thể sẽ bị xử lý về hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định theo Điều 107 BLHS 1999.
Nếu hậu quả đối tượng cướp giật tài sản bị tử vong thì anh Hoàng có thể bị xử lý về hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 97 BLHS 1999".
Điều 97. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ 1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội làm chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 107. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ 1. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Yến Nhi