Trước khi “đặt phím” trải lòng về vấn đề “nghiệp quả” cũng như tấm bảng được treo ở nhà vệ sinh của chùa Ba Vàng, tôi đã được một người bạn cảnh báo rằng “rồi nghiệp lại chồng nghiệp”. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu “gây nghiệp” mà bớt được chút thị phi, bớt chút sân hận ở lòng du khách cũng như độc giả thì “nghiệp” đó lại hóa “duyên”.
Theo giáo lý nhà Phật, “thập thiện nghiệp” và “thập ác nghiệp” của con người đều xuất phát từ tam nghiệp: Thân, khẩu và ý.
“Thân nghiệp” tức là hành động tạo tác của thân thể, của tay chân. “Khẩu nghiệp” là hành động tạo tác của ngôn ngữ. Còn “ý nghiệp” hành động tạo tác của suy nghĩ, ý tưởng.
Chúng ta có thể thấy, câu chuyện tấm bảng trong nhà vệ sinh ở chùa Ba Vàng đã bao hàm trọn vẹn và tuần tự tam nghiệp của con người cùng sự xoay vòng của “nghiệp”.
Người vất giấy, rác vào bồn cầu khiến bồn cầu bị tắc: Thân nghiệp.
Tấm bảng mang hơi hướng “trù ẻo”: Khẩu nghiệp.
Người đọc, đọc được tấm biển đó sẽ tự thấy “chột dạ”, lo sợ mà điều chỉnh hành vi của mình: Ý nghiệp.
Cũng theo giáo lý nhà Phật thì trong tam nghiệp, ý nghiệp là quan trọng hơn cả bởi nó là gốc rễ của mọi nghiệp. Thân nghiệp hay khẩu nghiệp cũng đều khởi từ ý mà ra.
Có thể thấy trong sự việc này, tấm bảng đó tuy phạm khẩu nghiệp nhưng đồng thời nó cũng khởi sự chuyển hóa trong ý nghiệp của người đọc. Những phật tử hay du khách thập phương đến nơi đây, khi đọc được sự “cảnh báo” đó sẽ tự ý thức được việc mình nên làm và không nên làm. Từ đó, tạo được thân nghiệp lành (biết giữ gìn của công, bảo vệ tài sản...). Và một khi các vị du khách không còn tạo thân nghiệp “dữ” nữa thì đương nhiên, ban quản lý chùa Ba Vàng (hoặc nhiều nơi khác) sẽ không còn tạo khẩu nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc vất giấy, rác khiến bồn cầu bị tắc nghẽn không những làm ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường chung mà nó còn khiến rất nhiều người khổ sở. Ban quản lí chùa phải nhọc công xử lí, những du khách, phật tử phải chịu cảnh bí bách, hôi thối, bẩn thỉu...
Nhiều người sẽ phản biện lại rằng “chỉ cần để tấm biển “Không vứt giấy, rác vào bồn cầu” là đủ, cần gì phải “nặng nề” như vậy.
Sự thực là tấm biển với nội dung tương tự đã có mặt ở rất nhiều nơi nhưng dường như vẫn là vô ích với một bộ phận thiếu ý thức. Đó cũng giống như hiện tượng nhờn thuốc ở người vậy.
Nên một tấm biển với nội dung “đanh thép”, đánh trúng tâm lí của những người tin vào nhân – quả lại là một liều thuốc mới cho ý thức chung của người Việt.
Vậy gieo nghiệp để diệt nghiệp, gặt duyên chẳng phải là chuyện nên làm hay sao?
Trịnh Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả