Vào thời điểm sát mùa thi THPT, hầu như tất cả các ông bố bà mẹ đều rất lo lắng về vấn đề ăn uống và dinh dưỡng cho con. Làm thế nào để con có thể ăn đủ chất, đủ bữa nhằm đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn ôn thi nước rút. Vì tâm lý muốn bồi bổ cho con thật nhiều nên không ít bậc phụ huynh đã phạm sai lầm, khiến con mất cân bằng dinh dưỡng.
Chị Bích Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì muốn con ăn được nhiều, phục vụ việc học nên thường xuyên chế biến món ăn mà con thích, để con ăn "thả ga". "Con tôi rất thích ăn thịt vịt quay, thế nên ngày nào tôi cũng làm vịt quay cho con ăn. Những ngày đầu, cháu ăn được khá nhiều, tôi cũng chủ quan là con ăn được nên ít chế biến bổ sung thêm các món khác. Vậy nên những ngày gần đây, cháu thường xuyên kêu đầy bụng, cơ thể thường có cảm giác nặng nề, ngồi học không yên. Tôi cho cháu đi khám mới biết là con ăn quá nhiều thịt, thiếu chất xơ, vitamin nên mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức tập trung khi học".
Thực tế, có rất nhiều bậc phụ huynh cho con ăn rất nhiều thịt trong quá trình ôn thi vì cho rằng thịt có nhiều năng lượng, nhiều chất, giúp con ôn thi tốt hơn. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm và cần thay đổi. Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hoài Dung (viện Nhiệt đới TƯ), các loại thịt chứa rất nhiều đạm cần thiết cho cơ thể, cung cấp năng lượng để các con có thể ôn thi tốt, nhưng nếu ăn quá nhiều thịt, bổ sung quá nhiều đạm thì cơ thể sẽ lâm vào tình trạng thừa chất và khó hấp thụ dinh dưỡng.
"Nếu cho con em ăn quá nhiều thịt, bỏ qua việc bổ sung vitamin, chất xơ thì sẽ gây nên tình trạng khó tiêu, hệ tiêu hóa bị ngưng trệ, đầy bụng, làm cơ thể mệt mỏi và mất tập trung. Ngoài ra, việc bổ sung đạm quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ bài tiết khi tăng áp lực chuyển hóa trong nội tạng, đặc biệt là thận".
Bác sĩ Dung cũng cho hay, trong quá trình ôn thi, não hoạt động rất nhiều, muốn đạt hiệu quả thì sẽ phải bổ sung các chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường, các bậc phụ huynh có thể lên chế độ ăn thích hợp mỗi ngày với 3 bữa chính và một vài bữa phụ nhỏ. Nên để cho con ăn đủ nhưng không quá no để tránh việc cơ thể phải tập trung quá nhiều vào vấn đề tiêu hóa.
"Thay vì cho con ăn quá nhiều thịt, phụ huynh nên cho con ăn đủ chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và các loại khoáng chất. Nên chú ý việc bổ sung vitamin vì chúng rất tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa và cả nội tiết" - bác sĩ Dung cho biết thêm, nên dùng các loại bột đường từ ngũ cốc nguyên cám, chúng giúp não giữ tập trung và tinh thần tỉnh táo. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên bổ sung món cá vào thực đơn ăn hàng ngày. Thịt cá chứa nhiều chất omega tốt cho hệ thần kinh và hỗ trợ trí nhớ rất tốt. Một số loại hạt nhiều dầu như hướng dương, mè cũng chứa chất Omega 6 tốt cho trí não.
Bên cạnh việc bổ sung vitamin qua các loại rau củ và hoa quả, các bậc cha mẹ cũng phải nhớ thêm vào khẩu phần ăn những loại thực phẩm nhiều sắt như gan, trứng, cá... Nếu thiếu sắt, sĩ tử sẽ dễ bị thiếu máu, dẫn đến mệt mỏi, hay buồn ngủ, ảnh hưởng đến kết quả ôn luyện.
"Nhìn chung, việc ăn uống cho các sĩ tử cần phải chú ý nhiều đến chế độ dinh dưỡng, làm thế nào để có thể cân bằng được các nhóm chất, hài hòa trong việc bổ sung dinh dưỡng để trí não con tỉnh táo, thể chất con khỏe mạnh khi ôn thi. Bên cạnh việc ăn uống điều độ, nên để các con có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên để con học quá khuya, sẽ ảnh hưởng đến sức tập trung vào ngày hôm sau" - bác sĩ Dung chia sẻ.
Theo VTV