Chiều 7/2, Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (công ty GrabTaxi).
Phiên tòa chiều nay tiếp tục với phần phát biểu quan điểm của phía nguyên đơn, cũng như những đối đáp của phía bị đơn liên quan đến các yêu cầu khởi kiện của phía Vinasun đối với GrabTaxi.
Theo đơn khởi kiện, phía Vinasun cho rằng, GrabTaxi đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, không đăng ký các chương trình khuyến mại với cơ quan chức năng mà khuyến mãi tràn lan, phá giá… gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun.
Hoạt động của GrabTaxi không thuộc “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; giao dịch của GrabTaxi không phải là “hợp đồng điện tử” theo Luật Giao dịch điện tử và quy định pháp luật về hợp đồng.
Phía GrabTaxi không tuân thủ quy định pháp luật về “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; công ty TNHH GrabTaxi vi phạm “Đề án 24” của bộ GTVT. GrabTaxi vi phạm 2 hợp đồng trong một chuyến đi khi GrabTaxi tổ chức dịch vụ GrabShare.
GrabTaxi vi phạm pháp luật về khuyến mại, thuế; hoạt động của “GrabTaxi phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị, gây thiệt hại không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi mà còn xâm hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội…”.
Những hoạt động sai trái của phía GrabTaxi đã làm ảnh hưởng đến các hãng Taxi truyền thống nói chung, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Vinasun nói riêng, cụ thể là hơn 41,2 tỷ đồng nên Vinasun yêu cầu GrabTaxi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong khi đó, đại diện GrabTaxi cho rằng, họ chỉ cung cấp phần mềm kết nối và những lập luận phía Vinasun là không có cơ sở, từ đó yêu cầu tòa bác bỏ các lập luận của Vinasun, đình chỉ vụ án.